Tiểu đêm là tình trạng thức dậy nhiều lần trong đêm để đi tiểu. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân, Khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết một số dấu hiệu của tình trạng tiểu đêm nhiều lần ở nam giới là: đi tiểu nhiều hơn một lần kể từ lúc bắt đầu lên giường đi ngủ cho đến sáng hôm sau, cảm thấy chưa tiểu hết, vẫn ậm ạch khó chịu ở bụng dưới, dòng tiểu yếu, nhỏ hơn bình thường hoặc phải rặn.
Theo Hiệp hội Tiết niệu Mỹ, cứ 3 người trưởng thành trên 30 tuổi thì có một người bị tiểu đêm. Hầu hết mọi người có thể thức dậy một lần trong đêm để đi tiểu, nhưng đi tiểu thường xuyên hơn có thể là dấu hiệu của bệnh lý hay nhiều nguyên nhân khác.
Uống nhiều chất lỏng trước khi đi ngủ
Nam giới thường sử dụng rượu và caffein nhiều hơn nữ giới. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng tiểu đêm. Bác sĩ Tân cho biết, nhiều người có thói quen thưởng thức một hoặc hai cốc cà phê vào buổi tối thay vì uống buổi sáng sau khi ăn xong. Caffeine làm cho bàng quang co lại với thể tích thấp hơn khiến bạn có nhiều nhu cầu đi tiểu cấp bách và thường xuyên.
Bên cạnh đó, nhiều người hay nhậu vào buổi tối. Rượu bia làm thận không thể tái hấp thu nước. Khi uống rượu bia, cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu hơn và phải đi tiểu nhiều lần vào buổi tối.
Dùng một số loại thuốc
Một số loại thuốc khiến bạn đi tiểu nhiều hơn như thuốc điều trị huyết áp, thuốc lợi tiểu, các thuốc điều trị rối loạn tâm thần... Nếu đi tiểu nhiều do uống thuốc, bạn nên hỏi bác sĩ để điều chỉnh thuốc đang dùng hoặc thời điểm dùng phù hợp. Bạn có thể tránh dùng thuốc lợi tiểu vào buổi tối. Chúng làm tăng lượng nước và muối mà cơ thể thải ra dưới dạng nước tiểu.
Rối loạn giấc ngủ
Tình trạng ngưng thở khi ngủ tăng tần suất tiểu đêm. Vì vậy để cải thiện chứng tiểu đêm cần điều trị bệnh lý ngưng thở khi ngủ. Bên cạnh đó, một số rối loạn thần kinh cũng gây tiểu không kiểm soát, tiểu nhiều về đêm như hội chứng chèn ép tủy sống, xơ cứng rải rác từng đám, parkinson...
Sự lão hóa
Khi nam giới già đi, các cơ trong bàng quang yếu đi. Trên thực tế, một người đàn ông trên 50 tuổi thức dậy một lần mỗi đêm được xem là bình thường.
Bác sĩ Tân giải thích, cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu vào buổi tối so với ban ngày. Ở một số người, chất lỏng hấp thụ trong ngày dồn vào các chi dưới và khi nằm xuống, chất lỏng sẽ tuần hoàn trở lại. Tim và thận nhận ra có thêm chất lỏng và cần loại bỏ. Để hạn chế tình trạng tiểu đêm do lão hóa, nam giới nên uống ít hơn vào cuối ngày.
Bệnh tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt bị phì đại gây kích thích các đầu mút thần kinh vùng cổ bàng quang và có thể chèn ép niệu đạo, khiến bàng quang co bóp không hoàn toàn sau mỗi lần tiểu dẫn đến tồn dư nước tiểu và làm cho người bệnh cảm thấy như lúc nào cũng muốn đi tiểu. Khi mắc bệnh phì đại tuyến tiền liệt, người bệnh cần nói chuyện với bác sĩ để có phương án điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật tùy vào tình trạng bệnh.
Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là bệnh ảnh hưởng tới 50% nam giới trong độ tuổi 50-60 tuổi. Tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo nên nếu phì đại sẽ gây cản trở hoặc nặng là tắc nghẽn dòng tiểu. Thành bàng quang cũng bị dày lên, gặp trở ngại khi làm trống gây chứng tiểu đêm. Một số tình trạng rối loạn đường tiểu dưới gây chứng tiểu đêm như bàng quang hoạt động quá mức, quá nhạy cảm do bệnh lý, viêm bàng quang mô kẽ, nhiễm trùng đường niệu...
Bác sĩ Tân cho hay, mọi người cần một giấc ngủ ngon để cảm thấy sảng khoái và nghỉ ngơi vào buổi sáng. Tuy nhiên, liên tục thức dậy vào ban đêm vì đi tiểu có thể dẫn đến tình trạng thiếu ngủ và làm giảm chất lượng sống. Đi tiểu đêm hoặc tiêu đêm thực sự đáng lo ngại nếu bạn phải thức dậy hơn 2 lần một đêm.
Người bệnh đã thay đổi lối sống nhưng không cải thiện chứng tiểu đêm cần thăm khám và điều trị kịp thời. Đi tiểu nhiều lần trong đêm có thể dẫn đến nhiều tình trạng sức khỏe không tốt tiềm ẩn nếu không được điều trị kịp thời như: các bệnh về tim như suy tim sung huyết; bệnh tiểu đường; huyết áp cao, viêm bàng quang mạn, suy thận mạn tính, phì đại tuyến tiền liệt...
Lục Bảo