Theo BS.CKII Lâm Hoàng Duy, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, kinh nguyệt không đều là hiện tượng hành kinh đến sớm hoặc muộn, thậm chí vô kinh. Phụ nữ có một số biểu hiện như số ngày hành kinh ít hơn hai ngày hoặc nhiều hơn 7 ngày, lượng máu quá ít hoặc quá nhiều, màu sắc lạ, vón cục, kèm đau bụng dữ dội, đau lưng, mệt mỏi, nôn và buồn nôn.
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến.
Mang thai
Chậm kinh sau quan hệ tình dục không an toàn là một trong những dấu hiệu có thai. Trứng thụ tinh với tinh trùng và di chuyển đến tử cung để làm tổ. Lớp niêm mạc bên trong tử cung dày lên tạo điều kiện thuận lợi cho phôi được bảo vệ trong suốt quá trình mang thai. Do đó, phụ nữ không có kinh nguyệt và cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm máu hoặc siêu âm.
Phụ nữ đang cho con bú
Sữa mẹ chứa rất nhiều chất prolactin - một chất gây ức chế hormone sinh sản khiến phụ nữ đang cho con bú rất ít hoặc không có kinh nguyệt trong khoảng thời gian này. Kỳ kinh trở lại đều đặn ngay khi cai sữa.
Sử dụng thuốc tránh thai nội tiết
Thuốc tránh thai khẩn cấp chứa lượng lớn nội tiết tố tác động trực tiếp làm mất cân bằng hệ thống nội tiết tố trong cơ thể cũng gây ra tình trạng này.
Phụ nữ tiền mãn kinh
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, hoạt động của buồng trứng bắt đầu suy yếu, cơ thể ít tiết ra hormone estrogen và progesterone hơn gây mất cân bằng nội tiết tố. Phụ nữ tiền mãn kinh có thể thấy kinh nguyệt không đều, sau đó mất hẳn khi mãn kinh.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Bệnh lý buồng trứng đa nang (PCOS) dẫn đến rối loạn chuyển hóa và nội tiết trong cơ thể khiến phụ nữ không thể rụng trứng.
Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp hoạt động yếu hoặc suy giáp có thể khiến kỳ kinh dài hơn, mất máu nhiều, xuất hiện cơn đau bụng dữ dội. Bệnh cường giáp làm cho số ngày hành kinh ngắn hơn, lượng máu kinh ít hơn.
Bệnh u xơ tử cung
U xơ tử cung là tình trạng các khối u cơ phát triển bên trong thành tử cung, do nồng độ estrogen tăng cao. Phụ nữ bị u xơ tử cung có kỳ kinh nguyệt bất thường, với lượng máu nhiều, các cơn đau dữ dội. Bệnh diễn tiến nặng hơn có thể gây mất máu, thiếu máu, đe dọa tính mạng.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Biểu hiện thường là đau bụng dữ dội khi đến ngày "đèn đỏ", đôi khi đi kèm chu kỳ kéo dài, mất nhiều máu và chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh.
Thừa cân hoặc béo phì
Thừa cân hoặc béo phì đều tác động trực tiếp đến các hormone và insulin trong cơ thể, khiến chu kỳ kinh nguyệt không đều. Tăng cân quá mức cũng gây ra những bất thường.
Sụt cân hoặc suy nhược cơ thể
Sụt cân quá nhanh hoặc suy nhược cơ thể cũng có thể dẫn đến mất kinh bởi cơ thể không đủ lượng calo cần thiết ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng.
Tập luyện quá sức
Tập luyện thể thao quá nặng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của nội tiết tố trong cơ thể. Nữ giới lưu ý đến cường độ các bài tập phù hợp với thể trạng.
Căng thẳng kéo dài
Khi áp lực, căng thẳng kéo dài, não điều khiển hormone tuyến yên tác động đến quá trình rụng trứng, từ đó ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Sức khỏe ổn định trở lại khi chị em có trạng thái tâm lý thư giãn, thoải mái.
Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Một số loại thuốc điều trị bệnh lý có thể gây tác dụng phụ rối loạn kinh nguyệt như thuốc chữa bệnh tuyến giáp, bệnh động kinh, thuốc aspirin, ibuprofen, liệu pháp thay thế hormone...
Biến đổi liên quan đến ung thư cổ tử cung
Các biến đổi bất thường từ cổ tử cung hoặc nghiêm trọng hơn là ung thư cổ tử cung cũng làm cho phụ nữ ra máu kinh ra không đúng chu kỳ, kéo dài hoặc ra máu giữa các kỳ kinh.
Bác sĩ Hoàng Duy cho biết điều trị kinh nguyệt không đều phụ thuộc vào nguyên nhân. Bác sĩ ưu tiên điều chỉnh bằng thay đổi lối sống, chỉ những tình huống cần thiết mới điều trị nội khoa hoặc điều trị ngoại khoa.
Thanh Thúy
Độc giả đặt câu hỏi sức khỏe, sinh lý nữ tại đây để bác sĩ giải đáp |