BS.CKI Nguyễn Hữu Hiếu, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đau bụng ở trẻ em có thể do bệnh lý nội khoa và ngoại khoa gây ra, với các dấu hiệu nhận biết như sau:
Trẻ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa thường đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, sốt.
Táo bón phổ biến ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ đang tập đi vệ sinh hoặc ăn ít chất xơ. Trẻ đau bụng từng cơn, đi ngoài khó, phân cứng.
Khó tiêu hoặc đầy hơi do ăn quá nhiều, thức ăn khó tiêu hoặc nuốt nhiều khí khi ăn. Trẻ đau bụng nhẹ, cảm giác đầy bụng, ợ hơi.
Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu, trẻ đau bụng kèm theo sốt, đau khi đi tiểu hoặc tiểu nhiều lần.
Trẻ có thể đau bụng do căng thẳng, lo âu, dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm.
Bệnh lý ngoại khoa khiến trẻ đau bụng như viêm ruột thừa, lồng ruột, thoát vị bẹn nghẹt, xoắn ruột, tắc ruột.

Trẻ đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân. Ảnh minh họa: Đình Lâm
Ở trẻ em, các triệu chứng cảnh báo có thể không rõ ràng. Phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện để được bác sĩ khám, chẩn đoán chính xác nguyên nhân khi trẻ có các dấu hiệu bất thường dưới đây.
Đau bụng dữ dội hoặc kéo dài trên 24 giờ.
Nôn ói liên tục, nhất là khi có máu hoặc dịch vàng xanh.
Tiêu chảy nặng hoặc phân có máu.
Sốt cao.
Bụng cứng, chướng, đau khi chạm vào.
Mệt mỏi, lừ đừ, bỏ ăn, bỏ uống.
Đau khi đi tiểu hoặc tiểu ít.
Có dấu hiệu mất nước (khô miệng, mắt trũng, da khô, tiểu ít).
Để hạn chế yếu tố nguy cơ gây đau bụng, bác sĩ Hiếu khuyến cáo phụ huynh cho trẻ rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn sạch sẽ, lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Bé cần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu. Cha mẹ cần giữ môi trường sống thoải mái, không nên tạo áp lực tâm lý cho bé.
Nếu trẻ đau bụng do rối loạn tiêu hóa thông thường, trẻ có thể được điều trị tại nhà, uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Đơn Thương
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |