Hẹp thực quản có hai loại là lành tính và ác tính. Trong đó, hẹp thực quản lành tính chiếm khoảng 70-80%, thường gặp ở người trưởng thành do bệnh trào ngược dạ dày thực quản, nuốt phải hóa chất có tính ăn mòn. Hẹp thực quản ác tính là tình trạng do các khối u thực quản như biểu mô tuyến hoặc biểu mô vảy thực quản hoặc các khối u di căn đến thực quản.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hẹp thực quản lành tính thường do các nguyên nhân sau:
Biến chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Trào ngược kéo dài khiến axit làm mòn thực quản. Sự phát triển của hẹp thực quản do axit ở bệnh nhân trào ngược có liên quan đến tuổi già, nam giới và thời gian triệu chứng trào ngược kéo dài.
Nuốt phải hóa chất có tính ăn mòn: Người bệnh vô tình nuốt phải các sản phẩm tẩy rửa gia dụng có chứa chất ăn mòn như chất tẩy rửa sàn, bồn cầu... có thể gây tổn thương thực quản từ nhẹ đến nặng, dẫn đến tình trạng hẹp thực quản, hoại tử toàn bộ thực quản.
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan: Đây là bệnh thực quản mạn tính, triệu chứng điển hình là khó nuốt. Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (là tình trạng các tế bào bạch cầu ái toan trong máu, trong mô hoặc một số tạng tăng lên bất thường) kéo dài làm tăng tỷ lệ mắc bệnh hẹp thực quản, nhất là khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Nội soi tiêu hóa trên và sinh thiết thực quản nhằm đánh giá số lượng bạch cầu ái toan tăng hay giảm, giúp chẩn đoán viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan.
Viêm thực quản do thuốc: Nhiều loại thuốc kháng sinh, kháng viêm nếu dùng kéo dài dễ dẫn đến viêm thực quản, lâu ngày gây biến chứng nghiêm trọng là hẹp thực quản.
Hẹp thực quản do xạ trị: Liệu pháp xạ trị thực hiện đơn lẻ hoặc kết hợp với phẫu thuật có thể gây ra tác dụng phụ hẹp thực quản. Tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân điều trị ung thư đầu mặt cổ và ung thư phổi. Bức xạ tác động vào vùng cổ hoặc ngực làm tổn thương mô mềm xung quanh trong đó có thực quản, gây biến chứng hẹp thực quản.
Chấn thương do nhiệt: Tình trạng này thường xảy ra ở những bệnh nhân sử dụng đồ ăn thức uống quá nóng như trà, cà phê... nhưng ít gặp.
Viêm thực quản truyền nhiễm: Nhiễm virus cytomegalovirus, herpes simplex, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và nấm candida... đều dẫn đến viêm niêm mạc thực quản, dần làm hẹp thực quản. Bệnh thường xảy ra ở người bị suy giảm miễn dịch với triệu chứng điển hình là nuốt khó kèm đau khi nuốt.
Bên cạnh các nguyên nhân lành tính, hẹp thực quản còn do các nguyên nhân ác tính như ung thư biểu mô tuyến thực quản, ung thư tế bào biểu mô tế bào vảy thực quản. Khối u di căn (thường là ung thư phổi), khối u cạnh thực quản chèn ép hoặc xâm lấn thực quản cũng dẫn đến tình trạng này.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây hẹp, bác sĩ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. Hẹp thực quản lành tính được điều trị bằng phương pháp nong thực quản, đặt stent thực quản. Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản là phương pháp điều trị tối ưu đối với hẹp thực quản ác tính hoặc lành tính không thể đáp ứng điều trị nội khoa, kéo dài.
Người bệnh xuất hiện các triệu chứng khó nuốt, ợ chua, nôn trớ, đau khi nuốt hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân... cần khám sớm để được điều trị kịp thời. Tình trạng hẹp thực quản không được điều trị có thể gây ra các biến chứng như khó ăn uống, đau giữa ngực kéo dài, thủng thực quản, chảy máu, viêm phổi hít...
Bác sĩ Phương khuyến nghị tránh xa các chất tẩy rửa mạnh, đặt xa tầm tay trẻ nhỏ để tránh nuốt phải. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản để giảm biến chứng chít hẹp thực quản. Xây dựng chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh để tránh tình trạng lắng đọng axit dạ dày ở thực quản.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |