Gan là cơ quan quan trọng trong cơ thể, tạo ra mật giúp tiêu hóa thức ăn và lưu trữ đường để tạo năng lượng. Gan còn có chức năng lọc máu và loại bỏ chất thải khỏi cơ thể, chống lại nhiễm trùng. Viêm gan là tình trạng sưng, viêm xảy ra khi tế bào mô gan bị tổn thương hoặc nhiễm trùng. Viêm gan có thể là cấp tính, mạn tính hoặc xảy ra đồng thời cả hai tình trạng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Oanh, khoa Nội tiêu hóa - Gan mật tụy, Phòng khám Tâm Anh Quận 7, cho biết viêm gan không chỉ ảnh hưởng đến chức năng hoạt động mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho gan nếu không điều trị kịp thời. Viêm gan cấp tính có thể tự khỏi hoặc diễn tiến thành viêm gan mạn tính, dẫn đến suy gan cấp tính dù ít gặp. Viêm gan mạn tính có thể diễn tiến thành xơ gan, suy gan và ung thư gan. Dưới đây là một số nguyên nhân gây viêm gan.
Viêm gan do nhiễm virus là loại viêm gan phổ biến nhất, do các chủng virus viêm gan A, B, C, D và E gây ra. Viêm gan A và E thường lây lan qua thực phẩm hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. Viêm gan B, C, D lây qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con.
Viêm gan do rượu xảy ra do uống quá nhiều rượu trong thời gian dài. Bệnh thường không có biểu hiện ở giai đoạn sớm. Khi tiến triển sang giai đoạn nặng, viêm gan gây vàng da, cổ trướng (báng bụng), xuất huyết tiêu hóa.
Viêm gan do thuốc. Độc tố và thuốc có thể gây tổn thương gan thông qua nhiều cơ chế khác nhau, bao gồm tổn thương tế bào trực tiếp, phá vỡ quá trình chuyển hóa tế bào và dẫn đến những thay đổi về cấu trúc. Các loại thuốc có thể gây tổn thương gan phải kể đến như thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc tránh thai đường uống...
Bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASLD) là tình trạng tích tụ chất béo trong gan, thường gặp ở người bệnh tiểu đường, béo phì, huyết áp cao hoặc cholesterol cao. Béo phì cũng là một trong những yếu tố gây ra tình trạng thâm nhiễm mỡ ở gan. Các tình trạng trên làm giảm tổng hợp lipoprotein (phân tử có vai trò vận chuyển chất béo trong cơ thể), tăng tổng hợp triglycerride (chất béo trung tính), gây viêm.
Bác sĩ Oanh lưu ý viêm gan thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng hoặc nhẹ thoáng qua ở giai đoạn đầu. Một số biểu hiện thường gặp là ăn không ngon, sốt, mệt mỏi, đau bụng, nước tiểu đậm màu, ngứa da, vàng da, vàng mắt, sốt, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, đau khớp... Để đưa ra phác đồ điều trị chính xác, bác sĩ cần kết hợp bệnh sử, khám lâm sàng, xét nghiệm chức năng gan, siêu âm, sinh thiết gan.
Điều trị viêm gan phụ thuộc vào loại viêm gan mắc phải là cấp tính hay mạn tính. Viêm gan do virus cấp tính thường tự khỏi, có thể chỉ cần nghỉ ngơi và uống đủ nước. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể diễn tiến nặng, cần nhập viện điều trị và theo dõi. Người bệnh viêm gan mạn tính cần được theo dõi và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu viêm gan mạn tính diễn tiến thành suy gan hoặc ung thư gan, người bệnh có thể cần can thiệp ghép gan.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |