Phụ nữ mang thai có xu hướng ngủ nhiều hơn trong tam cá nguyệt đầu tiên nhưng chất lượng giấc ngủ của họ lại giảm đi đáng kể. Điều này cho thấy việc mang thai có thể khiến các bà mẹ cảm thấy kiệt sức cả ngày dài và có thể gây mất ngủ vào ban đêm. Dưới đây là một số thủ phạm phổ biến nhất của chứng mất ngủ trong thai kỳ.
Gia tăng hormone progesterone
Sự gia tăng hormone progesterone trong thai kỳ sẽ gây ra nhiều mệt mỏi liên tục cho bà bầu. Theo Verywell Health, loại hormone này sẽ làm giãn cơ trơn và khiến việc đi tiểu trở nên thường xuyên; từ đó làm gián đoạn giấc ngủ của các bà mẹ. Ngoài ra, nó làm giảm thời gian đi vào giấc ngủ.
Theo các nhà khoa học tại Sleepstation (Anh), sự gia tăng nồng độ progesterone có thể mang lại cảm giác buồn ngủ vào ban ngày, đặc biệt là trong tam cá nguyệt đầu tiên. Do đó, các phụ nữ mang thai thường trằn trọc, khó ngủ vào ban đêm.
Thay đổi nội tiết tố
Một hormone quan trọng khác trong thai kỳ là estrogen cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Verywell Heatlh cho biết sự thay đổi nội tiết tố sẽ làm cho các mạch máu lớn hơn và dẫn đến chứng sưng hoặc phù nề ở bàn chân, cẳng chân. Trong giai đoạn mang thai, phụ nữ cảm thấy khó chịu và đau nhức vào buổi tối.
Hội chứng chân không yên
Theo Healthline, ước tính có khoảng 26% phụ nữ mang thai gặp phải hội chứng chân không yên. Hội chứng này gây rối loạn thần kinh khiến hai chân luôn trong trạng thái vận động ngay cả khi đã đi ngủ; từ đó ngăn cản việc mẹ bầu có được giấc ngủ ngon và tăng thêm sự khó chịu vào tam cá nguyệt thứ 3.
Ngưng thở khi ngủ
Nhịp thở khi ngủ có thể thay đổi trong thời kỳ mang thai: khi thai kỳ bắt đầu, có thể có sự tiến triển rõ ràng từ ngáy nhẹ đến to và thậm chí tạm dừng hoặc gián đoạn nhịp thở, đặc trưng cho một tình trạng gọi là chứng ngưng thở khi ngủ. Verywell Health nhận định, chứng ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra thường xuyên hơn ở phụ nữ thừa cân hoặc tăng cân quá mức trong thai kỳ.
Mẹo giúp mẹ bầu ngủ ngon
Phụ nữ mất ngủ liên tục trong giai đoạn mang thai sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ về sau. Khi em bé chào đời, mẹ sẽ càng khó điều chỉnh đồng hồ sinh học để thích nghi với bé, hậu quả làm mẹ trở nên xáo trộn giấc ngủ và mệt mỏi, thiếu sức sống. Theo NHS, tư thế ngủ an toàn nhất dành cho bà bầu là nằm nghiêng sang trái hoặc phải. Nhiều nghiên cứu cho thấy sau 28 tuần, nằm ngửa khi ngủ có thể tăng gấp đôi nguy cơ thai chết lưu.
Trong thời điểm mang thai, các bà mẹ nên tránh sử dụng các thiết bị điện thoại thông minh ít nhất một giờ trước khi đi ngủ. Nhiều nghiên cứu cho thấy ánh sáng xanh từ TV, điện thoại di động hoặc máy tính bảng có thể tác động đến nhịp sinh học của cơ thể. Nếu chưa buồn ngủ, các chuyên gia khuyên thai phụ nên thử đọc một cuốn sách.
Ngoài ra, các thai phụ cũng nên thực hiện một số bài tập thể dục để thúc đẩy sức khỏe thể chất và tinh thần; đồng thời cải thiện tuần hoàn, giúp giảm chuột rút ở chân vào ban đêm. Tuy nhiên, nên tránh tập thể dục mạnh trong vòng bốn giờ trước khi đi ngủ.
Huyền My