Tùy thuộc vào các nguyên nhân gây bệnh, đốm trắng trên amidan có thể đi kèm với các triệu chứng bao gồm đau họng, sưng hạch bạch huyết ở cổ, khàn giọng, sốt, đau khi nuốt, amidan sưng đỏ, đốm nhỏ li ti trên vòm miệng. Người bệnh cũng có thể cảm thấy rất mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức cơ thể, phát ban, mất vị giác, đau khi nuốt, khóe miệng bị nứt, hôi miệng, đau tai. Trong đó, đau họng là triệu chứng phổ biến nhất khi xuất hiện các đốm trắng trên amidan.
Người bị đốm trắng trên cổ họng cần thăm khám nếu đau họng nghiêm trọng, sưng trong miệng và cổ họng, khó thở, đau bụng, sốt cao dai dẳng, nhức đầu dữ dội, vàng da... Các triệu chứng này có thể kéo thể kéo dài hơn 10 ngày đến hai tuần. Các trường hợp nghiêm trọng cần cấp cứu là đau bụng đột ngột, dữ dội; cổ cứng; khó nuốt...
Nguyên nhân gây ra các đốm trắng trên amidan có thể có liên quan đến một số biến chứng. Người bệnh viêm amidan có thể bị nhiễm trùng tai giữa, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Viêm họng liên cầu khuẩn có thể gây ra các biến chứng như bệnh thận, sốt thấp khớp, ban đỏ, áp xe (lở loét) xung quanh amidan. Người bệnh bạch cầu đơn nhân có thể bị thiếu máu, viêm gan kèm theo vàng da, viêm tinh hoàn, phát ban da, co giật và các vấn đề về hệ thần kinh khác (hiếm gặp). Tưa miệng có thể ra gây nhiễm trùng toàn thân ở những người mắc bệnh mạn tính hoặc hệ thống miễn dịch bị suy giảm, song trường hợp này không thường gặp.

Đốm trắng trên amidan có thể gây đau họng. Ảnh: Freepik
Bác sĩ sẽ thăm khám cổ họng để xem xét tình trạng viêm amidan, tưa miệng hoặc sỏi amidan (nếu có). Các xét nghiệm có thể được thực hiện để kiểm tra viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc nhiễm trùng do các vi khuẩn khác.... Tùy thuộc vào các triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Các bệnh do virus: Viêm amidan thường do virus gây ra. Virus epstein-barr thường là tác nhân gây bệnh bạch cầu đơn nhân. Thuốc kháng sinh không được dùng để điều trị các bệnh do virus. Người bệnh nên thăm khám bác sĩ để được điều trị phù hợp. Các biện pháp khác hỗ trợ cải thiện triệu chứng như nghỉ ngơi; uống nhiều nước; ăn thức ăn mềm, ấm; ăn kem que hoặc viêm ngậm...
Các bệnh do vi khuẩn và nấm: Viêm họng hạt và một số trường hợp viêm amidan do vi khuẩn được điều trị bằng kháng sinh. Tưa miệng là sự phát triển quá mức của nấm men, một loại nấm xuất hiện tự nhiên trong cơ thể. Tưa miệng thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm bôi bên trong miệng.
Sỏi amidan: Sỏi amidan là những khối mảnh vụn bị mắc kẹt trong các vết nứt ở bên ngoài amidan. Nếu chúng không gây ra triệu chứng, bạn không cần phải điều trị. Trường hợp chúng gây hôi miệng, đau họng hoặc ho hoặc các triệu chứng khác, bạn có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý. Nếu súc miệng không hiệu quả, bác sĩ có thể xem xét các phương pháp điều trị khác hoặc phẫu thuật cắt amidan. Lưu ý không nên cạo sỏi tại nhà vì có thể gây nhiễm trùng, khiến tình trạng nặng nề, khó điều trị hơn.
Nếu người bệnh thường bị nhiễm trùng cổ họng, bác sĩ có thể xem xét cắt bỏ amidan. Phẫu thuật này cũng là một lựa chọn nếu sỏi amidan tái phát thường xuyên.
Kim Uyên
(Theo Verywell Health)