Amidan là tổ chức lympho phía sau cổ họng, hoạt động như một hàng rào chống nhiễm trùng để bảo vệ cơ thể. Là nơi sản xuất kháng thể IgG, amidan được xem là hàng rào miễn dịch đặc hiệu cho trẻ. Tuy nhiên bước vào tuổi dậy thì, amidan trở nên kém quan trọng và hoạt động không còn mạnh nữa.
PGS.TS.BS Lê Minh Kỳ - Phụ trách chuyên môn khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, khi ở trạng thái khỏe mạnh, amidan hoạt động như một bộ lọc và làm "lá chắn" bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại, tạp khuẩn đi qua đường mũi họng. Nếu ở trạng thái bình thường, amidan rất hữu ích, tuy nhiên, khi amidan tái phát nhiều lần dẫn đến một số hội chứng nguy hiểm như ngừng thở khi ngủ, áp xe phúc mạc... ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Tại Việt Nam, viêm amidan có thể xuất hiện quanh năm, thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường tạo điều kiện cho nhiều vi khuẩn và virus phát triển. Trẻ nhỏ và người suy giảm miễn dịch là đối tượng dễ bị tấn công bởi virus và vi khuẩn do đó rất dễ mắc bệnh viêm amidan.
Viêm amidan có lây không?
Phó giáo sư Lê Minh Kỳ cho biết, vì là bệnh phổ biến ở nhiều lứa tuổi, cả trẻ em lẫn người lớn nên nhiều người lo lắng viêm amidan có lây không. Viêm amidan phần lớn không lây. Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu, amidan không lây trực tiếp nhưng lại mang tính di truyền. Theo thống kê, có hơn 62% trường hợp bị viêm amidan tái phát nhiều lần có liên quan đến yếu tố di truyền, 38% trường hợp còn lại là do các yếu tố khác tác động.
Triệu chứng
Các triệu chứng chính của viêm amidan là phần amidan bị viêm và sưng, nhiều trường hợp nghiêm trọng đến mức khiến người bệnh khó để thở bằng miệng. Các triệu chứng khác bao gồm đau cổ họng, amidan sưng đỏ, amidan xuất hiện lớp phủ màu trắng hoặc vàng, xuất hiện vết phồng rộp hoặc vết loét đau rát ở cổ họng, đau đầu, ăn không ngon miệng, đau tai, khó nuốt, sưng hạch ở cổ hoặc hàm, sốt và ớn lạnh, hôi miệng, khó nói hoặc nghẹt thở, cổ cứng.
Trẻ em có thể kèm thêm các triệu chứng như bụng khó chịu, nôn mửa, đau bụng, chảy nước miếng, biếng ăn. Phó giáo sư Lê Minh Kỳ cho biết thêm, viêm amidan rất phổ biến ở trẻ em. Trên thực tế, hầu như bé nào cũng có thể sẽ bị viêm amidan ít nhất một lần. Nếu các triệu chứng kéo dài dưới 10 ngày được gọi là viêm amidan cấp tính. Trong trường hợp triệu chứng kéo dài hơn hoặc tình trạng viêm amidan tái phát nhiều lần trong năm có thể là viêm amidan mạn tính.
Viêm amidan cấp tính: bệnh khởi phát với triệu chứng sốt 39-40 độ C, cảm giác khô rát trong họng, đau tăng lên khi nuốt hoặc ho. Bệnh nhân bị viêm amidan cấp tính có lưỡi trắng, niêm mạc họng đỏ và sưng. Toàn thân mệt mỏi, chán ăn và có dấu hiệu tiểu ít, táo bón.
Viêm amidan mạn tính: tình trạng viêm amidan bị tái phát nhiều lần sẽ dẫn tới viêm amidan mạn tính, các biểu hiện thường giống với viêm amidan cấp tính. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ xuất hiện thêm một số triệu chứng khác như:
- Đau họng
- Hôi miệng
- Sốt tái đi tái lại
- Có cảm giác vướng víu cổ họng khi nuốt thức ăn hoặc uống nước
- Thể trạng kém, yếu ớt và có thể sốt khi về chiều
- Ho khan từng cơn, khạc nhổ có đờm và thường có những cơn ho kéo dài
- Giọng nói thay đổi do ho nhiều gây đau họng, rát cổ họng
- Thở khò khè, người lớn ngủ ngáy, trẻ em có thể gặp hội chứng ngưng thở khi ngủ
Viêm amidan mạn tính cũng có thể gây ra sỏi amidan, các mảnh vật chất như tế bào chết, nước bọt và thức ăn tích tụ trong các kẽ của amidan. Cuối cùng, các mảnh vụn có thể đông cứng lại thành những viên sỏi nhỏ. Chúng có thể tự bong hoặc cần được bác sĩ lấy ra.
Đối tượng dễ mắc viêm amidan
Viêm amidan có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là những người có tiền sử bệnh về đường hô hấp, các bệnh liên quan đến đường thở như viêm mũi, viêm xoang... Nếu không điều trị triệt để thì bệnh dễ tái phát nhiều lần dẫn đến viêm amidan mạn tính.
Theo Phó giáo sư Lê Minh Kỳ, ở người lớn nguyên nhân gây viêm amidan do hệ miễn dịch suy giảm dễ bị các yếu tố bất lợi như vi khuẩn, virus tấn công. Ngoài ra, sử dụng rượu bia, thuốc lá cũng khiến tình trạng viêm amidan ở người lớn tăng cao. Sự thay đổi đột ngột của thời tiết, ô nhiễm môi trường, khói bụi độc hại và các bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh trước đó như viêm VA, viêm xoang, viêm răng... thì dễ bị viêm amidan hơn.
Biến chứng
Viêm amidan nếu không được điều trị kịp thời và triệt để không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống, khó khăn trong sinh hoạt mà còn kèm theo nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh nhân dễ bị viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm hạch, viêm thanh khí phế quản. Nếu tình trạng viêm hoặc sưng amidan xảy ra thường xuyên hoặc liên tục có thể gây ra các biến chứng nặng hơn như khó thở, ngưng thở khi ngủ; nhiễm trùng lan sâu vào mô xung quanh (viêm mô tế bào quanh amidan); nhiễm trùng dẫn đến tụ mủ sau amidan (áp xe phúc mạc).
Nếu viêm amidan do liên cầu nhóm A hoặc một chủng vi khuẩn liên cầu khác không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh nhân sẽ tăng nguy cơ mắc các biến chứng xa như sốt thấp khớp; viêm cầu thận.
Điều trị
Để hạn chế và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm amidan, người bệnh cần thăm khám sớm để được điều trị kịp thời và đúng cách. Có rất nhiều phương pháp điều trị viêm amidan như cắt amidan, dùng thuốc.
Cắt amidan
Theo Phó giáo sư Lê Minh Kỳ, phẫu thuật cắt bỏ amidan là giải pháp tối ưu để điều trị viêm amidan tái phát thường xuyên, viêm amidan diễn tiến mạn tính hoặc đã điều trị kháng sinh nhưng không đáp ứng được phác đồ. Cắt amidan cũng có thể được thực hiện nếu viêm amidan dẫn đến các biến chứng khó kiểm soát, chẳng hạn như khó thở khi ngủ; thở khó khăn; khó nuốt, đặc biệt là khi ăn thực phẩm từ thịt và các loại thực phẩm dai khác; áp xe không cải thiện khi điều trị bằng kháng sinh.
Theo Phó giáo sư Lê Minh Kỳ, amidan là bệnh lý thường gặp và có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên, nếu viêm amidan tái phát quá nhiều lần trong năm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, người bệnh cần đến thăm khám để bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả. Cắt amidan giúp loại bỏ ổ viêm trong vùng hầu họng, cải thiện sức khỏe và hạn chế các bệnh về đường hô hấp
Sử dụng thuốc trong điều trị
Nếu viêm amidan do nhiễm vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê cho bệnh nhân thuốc kháng sinh. Người bệnh phải uống đủ liều thuốc kháng sinh theo chỉ định kể cả khi các triệu chứng hết hẳn. Không dùng hết thuốc theo chỉ dẫn có thể khiến tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn hoặc lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Việc không hoàn thành đủ liệu trình kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ bị sốt thấp khớp và viêm thận nghiêm trọng.
Áp dụng các bài thuốc dân gian
Bên cạnh điều trị viêm amidan theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian giúp làm giảm triệu chứng bệnh, nhanh hồi phục:
Súc miệng với nước muối: hòa tan một ít muối trong cốc nước ấm, vệ sinh miệng sạch sẽ, dùng nước muối này để súc họng. Súc miệng ở tư thế ngửa mặt lên, đầu ngửa về phía sau, khò nhẹ để nước muối tiếp xúc với amidan rồi nhổ nước ra, có thể thực hiện nhiều lần trong ngày.
Súc miệng bằng nước ép hành: chuẩn bị một củ hành, một cốc nước ấm. Hành đem bóc vỏ, ép lấy nước để pha vào cốc nước ấm. Dùng hỗn hợp này để súc miệng, thực hiện khoảng 2-3 lần mỗi ngày.
Bài thuốc từ lá diếp cá: dùng diếp cá với mật ong, chuẩn bị một nắm lá diếp cá, hai thìa mật ong. Diếp cá rửa sạch, để ráo, giã nát, chắt lấy nước. Pha nước này với hai thìa mật ong, khuấy đều, uống trong ngày.
Chữa viêm amidan bằng gừng và mật ong: chuẩn bị mật ong, hai củ gừng. Gừng đem gọt vỏ, rửa sạch, giã dập hoặc cắt thành lát rồi cho vào bát. Đổ mật ong nguyên chất vào để ngâm, ngậm gừng mật ong hàng ngày sẽ giúp các triệu chứng viêm amidan được giảm nhẹ.
Phòng bệnh
Khi thấy trẻ xuất hiện những dấu hiệu viêm amidan, bố mẹ nên đưa bé đi khám để được bác sĩ điều trị kịp thời. Bên cạnh việc phối hợp điều trị với bác sĩ, cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách bằng cách chú trọng chế độ dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, giữ không gian sống sạch sẽ, khám sức khỏe định kỳ.
Bệnh viêm amidan rất dễ tái phát, nhất là khi thời tiết thay đổi, đặc biệt ở trẻ em và người lớn có tiền sử mắc các bệnh hô hấp hay người thường xuyên hút thuốc, ăn uống không lành mạnh. Vì vậy, mỗi người cần chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình bằng những biện pháp giữ vệ sinh, ăn uống đủ chất, tránh các chất kích thích, tập luyện thể dục thể thao...
Châu Bùi