Bạch huyết là chất lỏng trong suốt hoặc màu trắng được tạo thành từ các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng. Phù bạch huyết là một trong những tác dụng phụ kéo dài của bệnh ung thư vú. Tình trạng này xảy ra khi quá trình thoát dịch bạch huyết lọc vi khuẩn bị gián đoạn, khiến chất lỏng tích tụ trong mạch bạch huyết và các mô xung quanh gây sưng tấy.
Theo các bác sĩ của Đại học Y Washington (Mỹ), phù bạch huyết là một biến chứng có thể xảy ra theo thời gian. Có khoảng 5-40% phụ nữ đã phẫu thuật ung thư vú bị phù bạch huyết sau phẫu thuật. Dưới đây là các nguyên nhân gây phù bạch huyết.
Khối u ung thư
Một trong những lý do phổ biến nhất khiến phù bạch huyết xảy ra là khối u ung thư vú. Nếu khối u quá lớn, phát triển gần một hạch bạch huyết, có thể chèn vào mạch và chặn dòng chảy của bạch huyết qua mạng lưới các mạch máu gây sưng tấy và phù mạch bạch huyết.
Phẫu thuật
Trong quá trình phẫu thuật ung thư vú, các bác sĩ thường loại bỏ các hạch bạch huyết dưới cánh tay và gần xương đòn. Bởi đây là con đường mà ung thư có thể lây lan. Bác sĩ phẫu thuật sẽ quyết định loại bỏ một hoặc nhiều hạch bạch huyết tùy thuộc vào kích thước hạch và khối u vú. Sau phẫu thuật, khả năng bệnh nhân bị phù bạch huyết rất cao, ngay cả khi chỉ cắt bỏ một hạch bạch huyết.
Xạ trị
Xạ trị có thể gây ra sẹo, viêm, tổn thương hạch bạch huyết và có thể ngăn chặn dòng chảy của bạch huyết. Tuy nhiên, các tình trạng này có thể không xảy ra ngay sau khi bệnh nhân tiếp nhận bức xạ. Phù bạch huyết thường xảy ra ở nách, vú và xung quanh vú, trong khoảng từ 1-24 tháng sau khi hoàn thành quá trình xạ trị. Trong một số trường hợp, tình trạng sưng tấy giảm dần theo thời gian.
Theo Hệ thống Y tế Johns Hopkins (Mỹ), các dấu hiệu phù bạch huyết ở bệnh nhân ung thư vú có thể gồm: sưng ở cánh tay hoặc bàn tay, nhất là ở nơi các hạch bạch huyết bị loại bỏ; cảm giác nặng nề, tức ở cánh tay, nách hoặc ngực; đau, yếu ở cánh tay; khó khăn khi di chuyển khớp, nhất là ở cánh tay; da thay đổi, dày lên.
Nếu có các dấu hiệu bị phù bạch huyết, bệnh nhân nên sớm đến gặp bác sĩ điều trị. Vì phù bạch huyết có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da như viêm mô tế bào. Điều này là do chất lỏng bị mắc kẹt không thể thoát ra ngoài thúc đẩy vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng. Bất kỳ vết thương hoặc vết thủng da nào trên cánh tay bị phù bạch huyết cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng. Dấu hiệu của tình trạng này là da bị sưng, đỏ hoặc nóng khi chạm vào.
Người ung thư vú nên giảm cân, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh và hợp lý vì béo phì có thể làm tăng nguy cơ phù bạch huyết. Tập yoga, thái cực quyền, đạp xe và bơi lội... hữu ích trong giảm cân và giảm khả năng phù bạch huyết.
Nếu người bệnh đang bị phù bạch huyết, tránh làm tổn thương da vì dễ dẫn đến nhiễm trùng, nếu cần xét nghiệm máu hoặc đo huyết áp thì nên thực hiện trên cánh tay không bị phù bạch huyết. Phù bạch huyết có thể trở thành mạn tính, nặng nề và khó chịu ở người ung thư vú. Điều trị ung thư vú ít thủ thuật xâm lấn hơn sẽ càng ít trường hợp bị phù bạch huyết hơn.
Mai Cat (Theo Everyday Health)