Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đỗ Thùy Giang (Trưởng khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), cho biết, phụ nữ trên 20 tuổi tự khám vú có thể phát hiện ung thư vú sớm cùng các bất thường khác xuất hiện ở vú, nhờ đó, tăng khả năng chữa trị thành công. Phụ nữ nên tự khám vú hàng tháng, vào thời điểm 7-10 ngày sau khi sạch kinh. Lúc này, vú mềm nhất, dễ dàng sờ và phát hiện các thay đổi bất thường. Phụ nữ mãn kinh có thể khám bất kỳ ngày nào trong tháng. Dưới đây là một số bất thường có thể phát hiện khi tự khám vú.
Có bất kỳ một cục cứng trong vú hoặc trong nách: Nếu trên ngực bạn xuất hiện những nốt sần trong chu kỳ kinh nguyệt thì đây là hiện tượng bình thường do nội tiết tố thay đổi. Tuy nhiên, nếu xuất hiện cục cứng, khối u đối xứng hai bên ngực, dưới nách, phía trước hoặc trên núm vú kèm cảm giác đau, tốt nhất bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám sớm.
Thay đổi da vùng vú: Một số thay đổi da vùng vú đáng chú ý như: một vùng dày lên không mất, không mềm đi sau sạch kinh. Phụ nữ có vùng da dày lên hoặc sưng hoặc chỗ lõm vào trong tuyến vú cũng là dấu hiệu nên đi khám sớm.
Thay đổi kích thước, hình thái hoặc độ cân xứng của hai vú: Nếu bạn không sử dụng biện pháp nào để tăng kích thường vòng một, không trong thời kỳ dậy thì, mang thai, cho con bú hoặc tăng cân mà vòng một ngày càng to không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Trường hợp kích thước vòng một ngày càng nhỏ lại, trong khi bạn không ở độ tuổi mãn kinh, cai sữa hoặc không bị sụt cân... kèm rụng tóc, mụn trứng cá, lông mặt phát triển mạnh... có thể do hội chứng buồng trứng đa nang. Thông thường, ngực của hầu hết phụ nữ không hoàn toàn cân xứng. Tuy nhiên, kích thước hai bên ngực chênh lệch nhau quá nhiều là bất thường.
Đỏ hoặc tróc vảy núm vú hoặc da vú: Núm vú, da vú bị đỏ hoặc tróc vảy có thể là dấu cảnh báo bệnh lý ở tuyến vú.
Đau chói đầu vú hoặc trong vú: Một số nguyên nhân thông thường dẫn đến tình trạng đau đầu vú hoặc trong vú như do mang thai, dậy thì hoặc trong thời gian rụng trứng. Tuy nhiên, nếu bạn không nằm trong các trường hợp này mà vẫn bị đau nhói đầu vú hoặc trong vú kéo dài có thể do ung thư tuyến vú.
Tiết dịch núm vú, tụt núm vú: Đôi khi bị kích thích, núm vú có thể tiết ra một chút dịch. Hiện tượng này thường xuyên xảy ra có thể là cảnh báo bệnh lý nguy hiểm ở vú. Nếu bạn không đang cho con bú, không bị kích thích mà núm vú bị chảy dịch, dịch tiết ra có màu đỏ như máu thì nên khám bác sĩ. Trường hợp khác cũng cần thăm khám là đột nhiên núm vú bị tụt vào trong và không có cách nào làm cho nó trở lại như cũ.
Co kéo núm vú: Các bất thường co kéo núm vú cần chú ý như: quẹo, đẩy ra hướng khác, lún vào trong.
Bác sĩ Giang khuyên, sau khi tự khám vú và phát hiện một hoặc nhiều hơn những bất thường kể trên, bạn cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ kiểm tra, thăm khám và có hướng giải quyết thích hợp. Một số phương pháp chẩn đoán ung thư vú và các bệnh lý tuyến vú như: khám vú, siêu âm vú, chụp nhũ ảnh, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm dịch từ núm vú, sinh thiết vú...
Đức Nguyên