Vùng da quanh ngực thường rất nhạy cảm. Do đó, các chị em dễ gặp phải các cơn ngứa ở khu vực này. Mặc dù tình trạng ngứa ở vòng một thường không phải dấu hiệu nguy hiểm nhưng có thể khiến phái nữ khó chịu và lo lắng. Dưới đây là những nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Dị ứng
Viêm da tiếp xúc là hiện tượng đau, ngứa xảy ra sau khi tiếp xúc với chất gây kích ứng da. Một số những nguyên nhân gây dị ứng như hóa chất từ các sản phẩm tẩy rửa, kem dưỡng da, thuốc nhuộm vải từ áo ngực hoặc do tiếp xúc với miệng của trẻ. Tình trạng viêm da tiếp xúc thường xuất hiện dưới dạng các mảng đỏ, ngứa xung quanh bầu ngực. Đôi khi đầu nhũ hoa có thể chuyển sang màu đỏ hoặc đóng vảy.
Để làm thuyên giảm và ngăn ngừa cảm giác ngứa do kích ứng da, phái nữ nên chuyển sang xà phòng và chất tẩy rửa không gây dị ứng, không mùi, không chứa thuốc nhuộm. Nếu các chị em vừa bắt đầu mặc áo ngực mới, hãy quay lại chiếc áo cũ một lúc, xem liệu tình trạng ngứa có biến mất hay không.
U vú lành tính
U vú lành tính là tình trạng các tế bào bất thường tăng sinh quá mức, vượt qua khỏi cơ chế tế bào chết theo chu trình trong cơ thể. Từ đó tạo nên các cục u bên trong vú. Khối u lành tính thường không gây hại đến sức khỏe, không phát triển quá nhanh, không di căn. Tuy nhiên, một vài khối u trong ống dẫn sữa có thể gây ngứa và đóng vảy ở núm vú. Để chẩn đoán, bác sĩ có thể chụp X-quang ống vú của bạn hoặc yêu cầu siêu âm, chụp quang tuyến vú hoặc sinh thiết. Phương pháp điều trị cho triệu chứng ngứa núm vú được gây ra bởi khối u thường là phẫu thuật.

Vùng da xung quanh núm vú của bạn nhạy cảm hơn rất nhiều so với da ở các bộ phận khác trên cơ thể. Ảnh: Freepik
Mang thai
Tăng cân, ốm nghén, thay đổi hormone trong thai kỳ là những nguyên nhân khiến núm vú, vùng da ở ngực xuất hiện các cơn ngứa. Theo các nhà khoa học lý giải, giai đoạn mang thai khiến vòng một của người mẹ tăng kích thước để phù hợp với chức năng tăng tiết sữa và cho con bú. Sự thay đổi này dẫn đến tình trạng da ở vòng một căng, ngứa và bong tróc. Nếu tình trạng ngứa kéo dài trong giai đoạn mang thai, các bà mẹ có thể massage dầu dừa, bơ ca cao hoặc thuốc mỡ lanolin lên núm vú để thuyên giảm cảm giác khó chịu.
Cho con bú
Ngứa vòng một không chỉ xảy ra trong giai đoạn mang thai mà còn kéo dài trong quá trình cho con bú. Theo WebMD, tình trạng ống dẫn sữa bị tắc hoặc các vấn đề khi trẻ ngậm ti đều có thể khiến núm vú bị ngứa và đau.
Ngoài những nguyên nhân trên, chứng tưa miệng ở trẻ cũng khiến nhũ hoa xuất hiện cảm giác ngứa, đau rát kèm bong tróc vùng da ở ngực. Đây là một bệnh nhiễm trùng do nấm. Để chữa trị, các bác sĩ sẽ chỉ định các thai phụ dùng kem chống nấm dạng thoa hoặc uống.
Mãn kinh
Thời kỳ mãn kinh có thể khiến vùng da ngực trở nên mỏng, khô và dễ kích ứng hơn. Nguyên nhân do việc sụt giảm các hormone nội tiết tố, làm cơ thể ít tiết ra chất dầu và làm làn da khó giữ độ ẩm. Lúc này, cảm giác ngứa có thể tấn công bất cứ nơi nào trên cơ thể, bao gồm cả âm đạo, núm vú. Để chống lại tình trạng khô da, chị em có thể sử dụng chất tẩy rửa nhẹ, dưỡng ẩm thường xuyên và ít tắm nước nóng hơn.
Viêm vú
Viêm vú là tình trạng viêm, đau ở mô sâu bên trong ngực, thường do vi khuẩn gây ra. Nó có thể xuất hiện đột ngột, thường trong những tuần đầu cho con bú. Tình trạng có thể gây ngứa, đau cả trên da và sâu trong mô vú. Tình trạng cũng có thể khiến trẻ bị sốt cao nên bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc kháng sinh cho mẹ.
Hầu hết các tình trạng ngứa ở đầu nhũ hoa hoặc vùng da xung quanh bầu ngực đều không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi xuất hiện triệu chứng, các chị em có thể áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà như thoa thuốc mỡ, thuốc chống dị ứng,... Tuy nhiên, phái nữ nên đến gặp bác sĩ nếu cơ thể xuất hiện cảm giác ngứa kèm các dấu hiệu như ngực sưng đỏ, sốt, ngứa dai dẳng,... Với các thai phụ, nếu cơn ngứa xuất hiện thêm khối u ở vú kèm cảm giác đau đớn hoặc miệng và lưỡi của trẻ có màu trắng thì nên đến bệnh viện sớm để nhận chẩn đoán chính xác.
Huyền My (Theo WebMD, Medical News Today, Women’s Health Magazine)