Nhức đầu có thể khiến người bệnh cảm nhận cơn đau nhói, âm ỉ hoặc dữ dội ở các khu vực khác nhau như bên phải đầu, đáy hộp sọ, cổ, răng hoặc bên trong hốc mắt. Dưới đây là những nguyên nhân gây đau đầu bên phải.
Lối sống: Căng thẳng, mệt mỏi, chán ăn, gặp vấn đề về cơ ở cổ... là những yếu tố nguy cơ dẫn đến đau đầu bên phải.
Nhiễm trùng, dị ứng: Người nhiễm trùng xoang, dị ứng có thể bị nhức đầu. Nhức đầu do nhiễm trùng xoang là kết quả của tình trạng viêm, gây áp lực, đau sau xương gò má và trán của bệnh nhân.
Lạm dụng thuốc: Sử dụng thuốc điều trị đau đầu quá mức có thể khiến những cơn đau đầu gia tăng. Đây là chứng rối loạn đau đầu xuất hiện phổ biến ở nhiều người, thường tăng nặng khi ngủ dậy.
Người bệnh lạm dụng các loại thuốc giảm đau nhiều khả năng bị đau đầu khi uống thuốc từ 10-15 ngày trở lên mỗi tháng. Đặc biệt, việc sử dụng các loại thuốc giảm đau kéo dài với liều lượng lớn có thể thay đổi cấu trúc, chức năng của não, gây đau đầu nặng.
Đau dây thần kinh chẩm: Dây thần kinh chẩm là dây thần kinh ở cột sống cổ chạy qua các cơ đến da đầu. Nếu dây thần kinh này bị kích thích có thể khiến người bệnh có cảm giác đau nhói, điện giật hoặc ngứa ran một bên đầu.
Viêm động mạch tạm thời: Đây là tình trạng các động mạch cung cấp máu cho đầu, não bị viêm hoặc tổn thương. Khi các động mạch này gặp vấn đề, người bệnh có thể bị suy giảm thị lực, đau đầu, đau vai, hông, quai hàm, sụt cân đột ngột.
Đau dây thần kinh sinh ba: Dây thần kinh cảm giác từ mặt đến não bị ảnh hưởng hoặc kích thích có thể dẫn đến cơn đau nhói ở bên phải đầu.
Hemicrania Continua: Đây là tình trạng rối loạn đau đầu hiếm gặp, gây đau liên tục ở bên phải đầu trong ít nhất 3 tháng, có thể tăng cường độ vài lần/ngày. Bên cạnh đau đầu, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như đỏ mắt, chảy nước mắt, sưng mí mắt, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đổ mồ hôi, đỏ mặt...
Hội chứng SUNCT: Hội chứng này gây ra những cơn đau đầu kéo dài trong thời gian ngắn, dữ dội ở một bên đầu, quanh hốc mắt kèm sụp mí mắt, nghẹt mũi, đổ mồ hôi mặt, chảy nước mắt.
Ngoài các nguyên nhân trên, người bệnh bị đau đầu bên phải có thể do yếu tố di truyền, tâm trạng lo lắng, khó thở, nghiến răng khi ngủ, gặp chấn thương, bị phình động mạch, cơ thể có khối u lành tính hoặc ác tính (ung thư).
Khi có triệu chứng đau đầu dữ dội ở bên phải, người bệnh cần đi khám sớm. Bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây đau đầu. Các loại đau đầu phổ biến gồm:
Đau đầu do căng thẳng: Đau đầu do căng thẳng là loại đau đầu phổ biến, thường xảy ra ở cả hai bên đầu. Trong một số trường hợp có thể chỉ xuất hiện ở từng bên đầu.
Đau nửa đầu: Những cơn đau nửa đầu có thể xuất hiện ở một hoặc hai bên đầu, khiến người bệnh nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh, gây nôn, buồn nôn, mờ mắt hoặc có cảm giác tê, ngứa ran.
Nhức đầu chùm: Người bệnh nhức đầu chum thường có cảm giác đau một bên đầu, da nhợt nhạt hoặc đỏ, mắt đỏ, chảy nước mũi, cảm thấy bồn chồn.
Nhức đầu do nội tiết tố: Nồng độ hormone trong cơ thể có thể là nguyên nhân gây đau đầu. Ở nữ giới, sự sụt giảm hormone estrogen liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi hormone này khi mang thai có thể gây đau nửa đầu.
Nhức đầu mạn tính: Khi căng thẳng, người bệnh thường xuất hiện các cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu trong khoảng 15 ngày trở lên mỗi tháng.
Nếu người bệnh bị đau đầu dai dẳng, kéo dài gây mất ngủ vào ban đêm, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cần đi khám để được bác sĩ tư vấn, đưa ra biện pháp điều trị kịp thời. Trường hợp đau đầu một bên kèm sốt, cứng cổ, mất thị lực, nhìn đôi, nói ngọng, đau tăng khi ho hoặc di chuyển... phải nhập viện cấp cứu.
Minh Thúy (Theo Healthline, Very Well Health)