Người bị đau nửa đầu bên trái thường có cảm giác đau lan tỏa khắp nửa đầu, âm ỉ ở mức độ nhẹ hoặc đau nhói ở một vị trí nhất định bên trái đầu. Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng, đau buốt. Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này.
Chế độ ăn uống: Người có thói quen bỏ bữa dễ bị đau đầu bên trái. Rượu bia và một số loại thực phẩm, đồ uống cũng có thể là nguyên nhân. Ví dụ, uống quá nhiều cà phê, trà chứa caffein.
Ngủ không đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng nhiều bệnh. Trong thời gian ngủ, cơ thể tự phục hồi để bạn có nhiều năng lượng vào ngày hôm sau. Nghỉ ngơi không đầy đủ, thiếu ngủ có liên quan đến đau nửa đầu bên trái và đau đầu nói chung.
Căng thẳng: Đau đầu do căng thẳng thường gặp ở nhiều người, thường là đau đầu cụm, đau từng cơn, một bên hoặc nửa đầu. Tình trạng này cũng thường xảy ra do căng thẳng, mức độ nhẹ đến trung bình, bắt đầu ở vùng chẩm hoặc trán hai bên rồi lan rộng khắp đầu.
Yếu tố môi trường: Ô nhiễm không khí, mùi hôi, khói thuốc lá, ánh sáng chói, thay đổi kiểu thời tiết có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Tránh các tác nhân này để hạn chế rủi ro sức khỏe.
Dị ứng: Đau đầu ở bên trái cũng thường đi kèm với dị ứng. Một số thực phẩm, đồ uống và các chất kích thích từ môi trường kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể, gây đau ở trán và má.
Hoạt động thể chất: Tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa đau đầu. Tuy nhiên, nếu gắng sức tập luyện và tập quá mức lại phản tác dụng, cơ thể mệt mỏi, căng thẳng, dễ đau cơ và đầu.
Nhiễm trùng: Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus ảnh hưởng đến đầu dẫn đến đau nghiêm trọng một bên nhưng ít gặp. Viêm màng não và viêm não cũng là nguyên nhân. Nhiễm trùng xoang thường gây viêm ở một hoặc cả hai bên xoang. Nhiễm virus cúm hoặc cảm lạnh cũng gây ra các triệu chứng sốt, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn.
Chấn thương nhẹ: Chấn thương để lại ổ tụ máu trong sọ gây ra đau đầu, thường là đau nhiều khi có mạch máu bên trong não và hộp sọ bị vỡ, tích tụ máu gây chèn ép các mô não. Tụ máu có thể xuất hiện ngay sau chấn thương. Đây là tình trạng nguy hiểm, cần đến bác sĩ để kiểm tra.

Đau đầu một bên có thể do căng thẳng, mắc bệnh. Ảnh: Freepik
Huyết áp cao: Bệnh thường ít gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đau đầu bên trái xuất hiện cùng với chóng mặt, khó thở. Huyết áp cao có thể dẫn đến đột quỵ, bệnh tim và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Bệnh tăng nhãn áp: Bệnh ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác ở võng mạc, dẫn đến mất thị lực dần do chất lỏng tích tụ bên trong mắt, làm tăng áp lực. Đau đầu ở một bên mặt xảy ra ở phía sau mắt bị ảnh hưởng.
Đột quỵ: Đau đầu là một trong những dấu hiệu của đột quỵ. Người đột nhiên đau một bên hoặc cả bên đầu nghiêm trọng không rõ nguyên nhân, kèm tê yếu cơ, khó nói, khó cử động... nên đến đến cơ sở y tế sớm.
Đau dây thần kinh chẩm: Loại đau đầu này ít gặp gây suy nhược, thường ảnh hưởng đến một bên đầu. Do các dây thần kinh bị chèn ép, dẫn đến đau rất mạnh, đau nhói sau tai hoặc sau đầu. Tình trạng này còn có thể xuất hiện ở cổ trước rồi di chuyển lên đầu và sau mắt.
Viêm động mạch tế bào khổng lồ: Tình trạng viêm động mạch thái dương ở một bên trán dẫn đến đau đầu bên trái, đau hàm, mất thị lực, sốt và mệt mỏi cùng nhiều triệu chứng khác. Bệnh làm gián đoạn lưu lượng máu, nếu kéo dài sẽ trở nên nghiêm trọng.
Đau dây thần kinh sinh ba: Bệnh mạn tính do tổn thương dây thần kinh sinh ba - một dây thần kinh ba nhánh lớn ở đầu. Nguyên nhân là do mạch máu bị chèn ép, bệnh đa xơ cứng, đột quỵ, chấn thương đầu. Cơn đau có thể đột ngột, dữ dội, nóng rát da đầu thường xuyên.
Tác dụng phụ của thuốc: Đau đầu một bên đôi khi do tác dụng phụ của thuốc tránh thai, thuốc giảm đau, liệu pháp thay thế hormone - một liệu pháp điều trị mãn kinh hoặc hỗ trợ chuyển đổi giới tính. Người dùng nhiều thuốc giảm đau hơn ba lần một tuần có thể bị đau đầu do lạm dụng thuốc. Triệu chứng thường hết khi ngừng hoặc giảm lượng thuốc. Tuy nhiên, người bệnh không tự ý dừng thuốc mà chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc giúp phòng ngừa và giảm cơn đau. Thiền, yoga hoặc các hoạt động thư giãn khác cũng giảm căng thẳng. Nên tránh uống rượu và hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc khói thuốc thụ động.
Người bệnh nên đi đến bác sĩ nếu đau đầu kèm theo sốt, cứng cổ, giảm trí nhớ, mất thăng bằng, chóng mặt, giảm thị lực, đau một bên mắt. Trường hợp cần cấp cứu nếu mất ý thức sau cú va chạm vào đầu, cơn đau khởi phát rất nhanh, dữ dội và trầm trọng hơn trong 24 giờ.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả gửi câu hỏi bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |