Hệ tiêu hóa của mỗi người đều khác nhau và nhu cầu đi vệ sinh cũng khác. Người bình thường có thể đi đại tiện 0-3 lần mỗi ngày, nếu số lần nhiều hơn có thể do một số tình trạng dưới đây.
Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật
Ăn nhiều chất xơ có thể kích thích nhu động ruột hoạt động mạnh, giúp đi đại tiện đều đặn, ngăn ngừa và giảm táo bón. Chế độ ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật như trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt khiến một người đi vệ sinh nhiều hơn bình thường.
Không dung nạp lactose
Lactose là đường tự nhiên trong sữa được tiêu hóa nhờ enzyme lactase. Người không dung nạp lactose có lượng enzyme lactase thấp, khiến lactose không được phân giải hiệu quả. Lactose không tiêu hóa trong ruột có thể gây đầy hơi, chuột rút bụng và tiêu chảy, đi đại tiện nhiều lần trong ngày.
Tác dụng của cà phê
Nhiều người uống cà phê thường cảm thấy muốn đi đại tiện sau vài phút. Bởi caffein kích thích nhu động ruột hoạt động mạnh, làm tăng co bóp đại tràng, lợi tiểu. Cà phê có tác dụng nhuận tràng tự nhiên, kể cả cà phê đã khử cafein.

Cà phê có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa. Ảnh: Anh Chi
Mắc bệnh tiêu hóa
Một số bệnh tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh Crohn hoặc bệnh Celiac có thể gây đi tiêu nhiều. Triệu chứng của IBS gồm tiêu chảy, táo bón, đau bụng. Bệnh Crohn gây viêm mạn tính đường tiêu hóa, dẫn đến tắc ruột, kém hấp thu và loét. Nếu bạn đi đại tiện thường xuyên và nguyên nhân không phải do thực phẩm, nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán có mắc bệnh tiêu hóa hay không.
Đang trong kỳ kinh nguyệt
Trong kỳ kinh nguyệt, cơ thể tăng tiết prostaglandin - chất tự nhiên làm co cơ tử cung để đẩy lớp niêm mạc ra ngoài. Do tử cung gần ruột, prostaglandin có thể gây tiêu chảy hoặc phân lỏng, thúc đẩy đi đại tiện liên tục.
Ngộ độc thực phẩm
Triệu chứng thường gặp của ngộ độc do nhiễm khuẩn E.coli hoặc Salmonella là đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Phòng ngộ độc thực phẩm bằng cách nấu chín thực phẩm, tách riêng đồ sống và chín, rửa rau củ quả dưới nguồn nước sạch, hạn chế ăn đồ tái, sống.
Căng thẳng
Căng thẳng có thể biểu hiện qua tâm trạng lo lắng hoặc phản ứng cơ thể như tim đập nhanh, đổ mồ hôi và đi đại tiện nhiều hơn. Căng thẳng làm rối loạn trục não - ruột - mối liên hệ giữa não và hệ tiêu hóa dẫn đến IBS. Vi khuẩn đường ruột có vai trò quan trọng với sức khỏe tổng thể và bị ảnh hưởng bởi căng thẳng.
Anh Chi (Theo Eating Well)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |