Trả lời:
Bướu cổ hay bướu giáp là tình trạng tuyến giáp tăng kích thước. Bướu cổ gồm loại lành tính, ác tính và bướu do cường giáp (tuyến giáp sản xuất nhiều hormone giáp hơn nhu cầu cơ thể). Khi mới xuất hiện, bướu có kích thước nhỏ, không nhìn thấy hoặc sờ thấy, thường được phát hiện qua siêu âm. Các tế bào bướu cổ lành tính phát triển dần làm tăng kích thước. Bướu càng lâu, kích thước càng lớn.
Bướu to thường không phải là yếu tố nguy cơ gây ung thư nhưng khiến người bệnh khó thở, khó nuốt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tác động đến chất lượng cuộc sống. Một số trường hợp, tế bào u lành tính trong quá trình phát triển bị đột biến, có thể tiến triển ác tính. Người bệnh bướu cổ nên khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ kiểm tra, theo dõi, phát hiện bất thường (nếu có) và điều trị kịp thời. Khi bướu cổ tăng kích thước bất thường, người bệnh cũng nên khám ngay.

Bác sĩ Vinh tư vấn cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Phần lớn bướu cổ lành tính, người bệnh có thể điều trị hoặc không. Trường hợp bướu lớn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chèn ép đường thở, nuốt, thần kinh... bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật. Bướu giáp do cường giáp, dẫn đến triệu chứng tim đập nhanh, hồi hộp, ngất xỉu... thường có chỉ định uống thuốc, iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật.
Bướu cổ ác tính (ung thư tuyến giáp) cần được phải phẫu thuật loại bỏ một thùy chứa ung thư tuyến giáp hoặc toàn bộ tuyến giáp, hạch bạch huyết nếu có di căn.
Bướu của bạn 6 năm, tăng kích thước chậm nên duy trì khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra, đánh giá và có phương pháp điều trị kịp thời.
Bác sĩ CKI Lê Ngọc Vinh
Đơn vị Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |