Kết quả siêu âm, chụp cắt lớp vi tính tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy hai thùy tuyến giáp có u và nang, kích thước 1,8x2x5 cm và 1,9x2,5x8 cm. Thùy trái u 4,3x2,4x4,2 cm thòng vào trung thất, xâm lấn thực quản. Trung thất là cơ quan chứa các bộ phận khí quản, tuyến tức, tĩnh mạch tay - đầu, thực quản, ống ngực...
Ngày 23/4, ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, cho biết nếu không phẫu thuật, bướu phát triển, chặn hoàn toàn đường thở và đường ăn uống. Người bệnh có nguy cơ ngưng thở, tử vong bất cứ lúc nào.
Bác sĩ Trông đánh giá u của chị Dung lớn, lâu ngày, có gai dính chặt vào các tổ chức lân cận. Phần cuối u tròn, chu vi 4 cm lọt thỏm vào trung thất trên nên có nguy cơ cao chảy máu, tổn thương dây thần kinh chi phối giọng nói khi phẫu thuật.
Người bệnh được mổ từ đường cổ, hạn chế tối đa khả năng cưa xương ức. Bởi đường mở ngực giữa xương ức có nhược điểm là vết mổ lớn, đau, mất máu nhiều hơn, nguy cơ biến chứng nhiễm trùng, phục hồi sau mổ lâu, ảnh hưởng thẩm mỹ.
Bác sĩ rạch da ngang 6 cm ở cổ, đi qua các lớp cơ, bóc tách nhóm cơ trước tuyến giáp, lấy sạch u khỏi lồng ngực, tránh làm thủng khí quản, thực quản và rách mạch máu lớn.
Sau phẫu thuật, chị Dung được bảo tồn dây thần kinh chi phối giọng nói, các tuyến cận giáp. Chị thở đều, không bị nghẹt hay khó thở, nặng ngực như trước, ăn uống ngon miệng. Kết quả giải phẫu bệnh sau đó xác định u lành tính.
Bướu cổ thòng trung thất (bướu cổ dưới xương ức) là tình trạng u tuyến giáp phát triển phía dưới, đi qua lỗ ngực vào khoang ngực. Bướu cổ thòng trung thất có thể xảy ra ở một hoặc hai thùy tuyến giáp, chèn ép khí quản, dính vào thực quản, mạch máu...
Bác sĩ Trông cho biết bướu cổ thòng trung thất chiếm tỷ lệ khoảng 3-20% các trường hợp bướu giáp, thường gặp ở người 50-60 tuổi. Phụ nữ mắc bệnh này cao gấp 4 lần so với nam giới.
Người bệnh thường không nhận thấy bất thường cho đến khi u lớn thu hẹp đường thở gây khó thở, nghẹt thở, thở rít. Các dấu hiệu này dễ nhầm lẫn với bệnh hô hấp, nếu không được chụp X-quang hay CT ngực phổi, rất khó phát hiện khối u.
Bướu cổ thòng trung thất có thể tăng kích thước hoặc không. Trường hợp bướu giáp thòng trung thất có kích thước nhỏ, chưa xâm lấn cơ quan lân cận, người bệnh có thể tái khám, theo dõi định kỳ. Khi bướu lớn xâm lấn thực quản và khí quản, thòng xuống lồng ngực, người bệnh thường chỉ định phẫu thuật.
Nguyễn Trăm
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |