Tuấn Hùng (6 tháng tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức, TP HCM) mọc mụn nhỏ màu đỏ ở bắp chân phải giống nốt ruồi son. Sau đó, mụn to lên và bị lở loét, nhiễm trùng. Bé nhập viện khi vết loét rộng kích thước 2x3 cm, có dấu hiệu bội nhiễm.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, Bác sĩ Ngoại Nhi - Ngoại tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, bé bị bướu máu, tình trạng này phổ biến ở trẻ em, đôi khi gặp ở người trưởng thành. Đa số trường hợp khối bướu máu sẽ tăng dần kích cỡ, sau đó tự thoái triển, không cần can thiệp gì. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khối bướu vỡ ra, bị nhiễm trùng.
Bé Hùng được rửa sạch vết loét, băng bó, điều trị ngoại trú. Một tháng sau đó, bé liên tục đến bệnh viện để thay băng, vệ sinh khối bướu máu. Tuy nhiên, tình trạng loét không cải thiện, vết thương có nguy cơ lan rộng. Đầu tháng 2, bác sĩ Trọng cùng êkip tiến hành phẫu thuật bướu máu cho bé. Sau mổ, sức khỏe bé ổn định, xuất viện ngay trong ngày, bác sĩ lấy trọn vẹn nhân bướu nên nguy cơ tái phát về sau thấp.

BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng cùng êkip phẫu thuật lấy trọn vẹn khối bướu máu cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Bướu máu là một loại khối u lành tính (không phải ung thư) ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó biểu hiện bằng vết bớt màu đỏ tươi, xuất hiện trên hoặc dưới da. U máu có thể hình thành từ lúc trẻ mới sinh, nhưng thường gặp nhất là trong vài tháng đầu đời. Các vị trí phổ biến bao gồm mặt, ngực, da đầu, lưng, tay, chân... Nốt ruồi son bản chất cũng là bướu máu.
Theo chu kỳ, bướu máu sẽ trải qua giai đoạn tăng sinh rồi bắt đầu mờ dần và co lại, biến mất khi trẻ được 7-10 tuổi. Một số bướu có thể gây ra vùng da thừa hoặc mạch máu nhỏ còn sót lại.
Bác sĩ Trọng lưu ý, trường hợp bướu máu ở những vị trí bất thường như mắt, tai, hầu họng, hậu môn hoặc cơ quan sinh dục, bắt buộc phải can thiệp. Cụ thể, bướu mắt ảnh hưởng thị lực, bướu hầu họng ảnh hưởng tới đường thở, bướu vùng ống tai làm suy giảm thính lực... Biến chứng có thể gặp bao gồm loét, hoại tử, bội nhiễm thứ phát, thậm chí tắc mạch, suy tim.
Có nhiều phương pháp điều trị bướu máu: thoa thuốc chứa corticoid, uống thuốc, chích xơ, bắn laser cho teo bướu. Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp bướu máu lớn, cản trở các chức năng quan trọng như thở hoặc tầm nhìn.

Trẻ được bôi thuốc xanh methylen lên vùng bướu bị nhiễm trùng. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh
Trẻ có thể tái phát sau mổ bướu máu. Do đó, trẻ từng phẫu thuật cần được theo dõi sát sao để phát hiện sớm nếu bệnh tái phát, từ đó có hướng xử trí phù hợp. Bố mẹ cần để ý nếu trẻ xuất hiện vết bớt màu đỏ và tăng dần kích cỡ để đưa bé đi khám kịp thời.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Thu Hà