Ấu trùng giun sán có thể lây truyền cho con người qua đường ăn uống khi tiêu thụ các món tái sống, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chứa trứng hoặc nang mang ấu trùng. Một số loại khác có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da khi tiếp xúc.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết khi nhiễm giun sán, người bệnh thường có các biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa, sụt cân, mệt mỏi, ngứa da. Bệnh diễn tiến âm thầm, nhiều trường hợp vô tình phát hiện khi đi khám sức khỏe có thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, nhiễm giun sán có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như tắc ruột hay ống mật, xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu, viêm đường mật, ho ra máu, áp xe gan, viêm não, viêm màng não... Sau khi khỏi, người bệnh vẫn có thể tái nhiễm nếu không ăn uống hợp vệ sinh và tẩy giun định kỳ.
Dưới đây là một số loại thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ nhiễm giun sán mọi người nên cẩn trọng khi sử dụng theo gợi ý của tiến sĩ Khanh.
Gỏi hải sản
Gỏi hải sản như gỏi cá, sushi, sashimi, gỏi tôm... được nhiều người yêu thích. Hải sản sống ở biển ít bị nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng. Tuy nhiên, các loại hải sản được nuôi ở vùng nước lợ, khu vực cửa sông đổ ra biển như tôm, cá dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Trong đó, ốc có thể chứa hàng nghìn ký sinh trùng giun ống do tập tính sinh sống ẩn sâu dưới lớp bùn đất.
Nếu các món này không được sơ chế đảm bảo vệ sinh, không nấu chín kỹ, nguy cơ nhiễm giun sán rất cao. Cách chế biến thủ công, khâu bảo quản không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm cũng dễ khiến hải sản có nguy cơ cao bị nhiễm ấu trùng giun sán. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, ký sinh trùng gây hại gan, túi mật, khiến người bệnh đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy.
Tiết canh
Tiết canh được chế biến từ máu sống, mà không qua xử lý nhiệt, các loại vi khuẩn, ký sinh trùng không được tiêu diệt. Do đó, ăn tiết canh có nguy cơ cao nhiễm giun sán và mắc các bệnh đường tiêu hóa, nhất là máu của lợn, vịt, dê... đang nhiễm bệnh.
Theo Tiến sĩ Khanh, nhiều trường hợp người ăn tiết canh bị nhiễm sán. Chúng di trú lên não, làm tổ trong não gây viêm màng não hoặc tổ sán chèn ép trong não, khiến bệnh nhân đau đầu dữ dội, co giật dễ lầm tưởng là tai biến, đột quỵ. Trong trường hợp này, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị liệt nửa người và nhiều di chứng kèm theo như giảm thị lực, động kinh...
Thịt chín tái
Thói quen ăn thịt dê, trâu, bò, lợn... chín tái có thể đưa giun, sán vào cơ thể. Chất lượng thịt không đảm bảo, khâu chế biến không sạch sẽ, nấu chín tái sẽ không loại bỏ được ký sinh trùng gây hại. Sau khi vào cơ thể, ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non, thâm nhập qua thành ruột đi khắp cơ thể. Các loại thịt động vật cần được nấu chín kỹ trước khi sử dụng để đảm bảo không làm lây nhiễm giun sán.
Thịt, cá ủ chua
Các món thịt, cá ủ chua như nem chua, thịt chua, cá muối chua đều không được nấu chín mà sử dụng hơi men của lá (lá ổi, lá sung, lá đinh lăng), thính gạo và một số loại gia vị để làm chín. Nếu các món này lên men chưa đủ độ chua, trứng và ấu trùng giun sán trong các thực phẩm này không bị tiêu diệt. Người ăn các món này có thể bị nhiễm ký sinh trùng. Ngoài ra, cách chế biến thủ công, khâu bảo quản không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm cũng dễ khiến thịt, cá có nguy cơ cao bị nhiễm ấu trùng giun sán.
Rau sống, rau thủy sinh
Các loại rau củ quả trồng dưới đất hay dưới nước đều có nguy cơ cao nhiễm ký sinh trùng. Những thực phẩm này nếu tưới bằng nước bẩn, bón phân tươi hoặc gieo trồng trong môi trường đất bẩn có lẫn trứng giun sán. Người thường xuyên uống nước ép rau củ tươi, ăn rau sống hoặc nhúng tái có nguy cơ cao nhiễm giun sán và các bệnh tiêu hóa khác như tiêu chảy, kiết lị, ngộ độc.
Tiến sĩ Khanh cho biết thêm, ký sinh trùng khác với vi khuẩn và virus, trứng hay ấu trùng của chúng bám dính trên bề mặt rau củ có thể được rửa trôi khi xả trực tiếp dưới vòi nước sạch. Để tránh nhiễm giun sán, mọi người nên hạn chế ăn rau sống hoặc rau sống phải rửa kỹ dưới vòi nước sạch (mùi, xà lách, rau má, lá cải...), rau thủy sinh (cải xoong, rau cần, ngó sen, rau rút, rau muống nước, rau ngổ) nên nấu chín kỹ. Rau củ quả trước khi chế biến thành thực phẩm cần rửa sạch nhiều lần và ngâm nước muối.
Nội tạng động vật
Ấu trùng giun sán khi xâm nhập vào cơ thể động vật thường ký sinh tại nội tạng, trong khi bộ phận này rất khó làm sạch. Nếu tiêu thụ, khả năng nhiễm giun sán cao.
Nhiều người có thói quen uống rượu sau khi sử dụng đồ sống, chín tái để "tiêu diệt" ký sinh trùng. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Khanh, nồng độ cồn trong rượu khi vào dạ dày sẽ bị làm loãng nên không mang lại tác dụng. Các loài ký sinh trùng có thể tồn tại trong môi trường axit dạ dày nên bổ sung thêm gia vị chua, cay cũng không thể diệt trừ được chúng. Tuy vậy, ký sinh trùng có thể chết khi được đun nóng ở nhiệt độ khoảng 60-70 độ C. Cách duy nhất để tiêu diệt chúng hoàn toàn là nấu đồ ăn thức uống ở nhiệt độ cao. Tùy từng loại thực phẩm, thời gian chế biến khác nhau.
Để tránh lây nhiễm chéo, mọi người cần đảm bảo khử trùng dụng cụ nhà bếp sau mỗi lần sử dụng; tránh để lẫn lộn đồ sống và đồ chín; đeo găng tay bảo hộ khi chế biến thực phẩm sống; rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi nấu ăn.
Trịnh Mai