Vừa qua, 76 trẻ em ở một trường mầm non ngộ độc sữa chua nhiễm khuẩn tụ cầu vàng khiến nhiều người quan tâm. Sữa chua được làm bằng cách lên men sữa bò, là món ăn phổ biến, được người lớn, trẻ nhỏ ưa chuộng. Loại sữa lên men này có chứa nhiều lợi khuẩn, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tốt cho hệ tiêu hóa, góp phần tăng cường hệ miễn dịch...
Tuy nhiên, ThS.BS.CKI Võ Tuấn Phong (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) lưu ý, sữa chua khi ủ lên men không đảm bảo vệ sinh, không được thanh trùng có nguy cơ nhiễm khuẩn Staphylococcus aureus (S.aureus). Loại vi khuẩn tụ cầu vàng này có độc tính cao, là nguyên nhân phổ biến gây ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm. Tụ cầu vàng nhiễm vào thực phẩm, sau khoảng 4-5 giờ sẽ sản sinh ra độc tố. Khi nó xâm nhập vào các cơ quan bên trong cơ thể như máu, khớp, phổi, tim... có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng, nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Những thực phẩm chứa nhiều chất đạm như thịt gia súc, gia cầm, cá, các loại đồ hộp... cũng có nguy cơ nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.
Ngoài ra, việc ủ sữa chua trong hũ, chai lọ kín... còn là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn kỵ khí như Clostridium botulinum (C. botulinum) phát triển, có thể dẫn đến ngộ độc. Thời gian qua cũng có trường hợp ngộ độc thực phẩm do cá chép muối ủ chua nhiễm loại vi khuẩn này. Độc tố của vi khuẩn C. botulinum có thể gây liệt các cơ từ vùng đầu, mặt, cổ, sau xuống tay chân, liệt các cơ hô hấp. Người bị liệt nặng có thể suy hô hấp, có nguy cơ tử vong. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, bất kỳ loại sữa chua nào làm từ sữa chưa tiệt trùng đều có thể bị nhiễm một số loại vi trùng như Listeria, Salmonella, Campylobacter và E. Coli.
Ăn sữa chua đúng cách
Để phòng tránh ngộ độc, bác sĩ Tấn Phong lưu ý mọi người nên chọn loại sữa chua có quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các loại sữa chua được sản xuất công nghiệp thường được thanh trùng để đảm bảo an toàn, ổn định về chất lượng, chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Người dùng nên lưu ý hạn sử dụng, bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh, tốt nhất là nên ăn trong vòng một tuần sau khi mua về.
Nếu tự ủ sữa chua tại nhà, gia đình lưu ý tiệt trùng các dụng cụ, hũ đựng sữa chua, rửa tay sạch trước khi chế biến. Không nên bảo quản sữa chua tự làm quá lâu trong tủ lạnh, tốt nhất nên dùng trước 7 ngày và tránh để mở nắp sữa chua khi bảo quản. Luôn bảo quản sữa chua trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4 độ C để tránh bị hỏng. Nên tách riêng các thực phẩm sống và chín khi bảo quản để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn khi bảo quản thực phẩm.
Người lớn, trẻ nhỏ có thể ăn 1-2 hũ sữa chua một ngày, dùng sau bữa ăn, tránh ăn khi đói vì axit trong dạ dày giết chết các lợi khuẩn, làm giảm tác dụng. Hạn chế đông cứng sữa chua ở ngăn đá vì nhiệt độ lạnh làm cho các lợi khuẩn bị tiêu diệt. Những người cần hạn chế đường như người bệnh tiểu đường, béo phì... có thể chọn loại ít đường hoặc không đường.
Khi lấy sữa chua từ trong tủ lạnh ra ngoài môi trường phòng, bạn không nên để quá lâu vì ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng, hương vị của món ăn. Cha mẹ có thể để sữa chua ở nhiệt độ phòng khoảng 10-15 phút nếu trẻ không ăn được món lạnh. Gia đình tránh để sữa chua ra ngoài tủ lạnh rồi để vào và bảo quản tiếp, không nên ăn nếu đã để chúng ở nhiệt độ phòng hơn 2 giờ.
7 dấu hiệu của sữa chua đã hỏng như: sữa chua tách lớp và nhiều nước phía trên đặc biệt có thể có lớp chất nhầy; sữa chua vón cục; ngửi có mùi lạ hôi, thiu, chua; có nấm mốc hay đổi màu trên bề mặt; hương vị khi nếm thử ôi, chua hay cảm giác khác so với sữa chua bình thường; hộp đựng sữa chua bị phồng to, có dấu hiệu không nguyên vẹn; sữa chua để bên ngoài nhiệt độ phòng trên 2 giờ. Nếu có các dấu hiệu trên thì sữa chua của bạn có thể đã nhiễm khuẩn và không nên sử dụng.
Những ngày nắng nóng, một số phụ huynh lo con ăn nhiều đồ lạnh bị viêm họng nên ngâm sữa chua trong nước nóng hoặc lò vi sống để làm ấm. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tấn Phong cách làm này chưa đúng. Vì vi khuẩn có lợi trong sữa chua khi gặp nhiệt độ cao sẽ mất khả năng hoạt động hoặc bị tiêu diệt, hàm lượng dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng. Món tráng miệng này sẽ thơm ngon, dinh dưỡng hơn khi kết hợp cùng ngũ cốc, các loại hạt, trái cây như mâm xôi, việt quất, dâu tây...
Người có các biểu hiện bất thường sau ăn như đau bụng, nôn ói, choáng váng, tiêu chảy... nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, mọi người nên ghi nhớ các nguyên tắc gồm: chọn thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng; không để lẫn thực phẩm sống và chín; ăn chín uống nước đun sôi để nguội; che đậy thực phẩm khi chế biến; đun sôi thức ăn nguội trước khi dùng; rửa sạch tay và các dụng cụ trước khi chế biến...
Kim Uyên