Đái tháo đường là bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin (hormone có nhiệm vụ điều hòa làm giảm lượng đường trong máu) hoặc cơ thể không thể sử dụng hiệu quả lượng insulin mà tuyến tụy sản xuất.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hữu Thanh Tùng, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đái tháo đường không chỉ làm rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể mà còn làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu. Mỡ máu (lipid máu là chất béo có trong máu, bao gồm cholesterol và chất béo trung tính triglyceride) cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, mỡ máu quá cao lại là nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch sớm dẫn đến bệnh động mạch vành hay đột quỵ ở người đái tháo đường.
Bệnh đái tháo đường có xu hướng làm giảm mức cholesterol tốt (HDL-C) và tăng triglyceride, cholesterol xấu (LDL-C), tình trạng này gọi là rối loạn mỡ máu do đái tháo đường. Mức cholesterol tốt giảm xuống trong khi cholesterol xấu tăng lên gây tổn thương mạch máu, đồng thời tạo các mảng bám lên thành mạch dẫn đến xơ vữa, tắc mạch...
Theo bác sĩ Tùng, mỡ máu cao thường không gây ra triệu chứng cho đến khi có các biến chứng lên một số cơ quan. Một số biến chứng mỡ máu cao ở người bệnh, gồm xơ vữa và tắc mạch vành gây bệnh tim mạch vành, xơ vữa động mạch não dẫn đến cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua hoặc đột quỵ. Xơ vữa động mạch ở chân hoặc cánh tay được gọi là bệnh động mạch ngoại biên. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây biến chứng bàn chân đái tháo đường.
Động mạch bị cholesterol bám vào trở nên cứng và hẹp khiến tim làm việc nhiều hơn để bơm máu qua các đoạn tắc nghẽn này, tăng huyết áp. Bệnh huyết áp cao ở người đái tháo đường cũng là yếu tố thúc đẩy các biến chứng đến sớm và nặng nề hơn. Bác sĩ Tùng khuyến cáo người bệnh đái tháo đường có chỉ số mỡ máu cao cần thay đổi lối sống như ăn ít chất béo bão hòa (mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ...).
"Điều trị mỡ máu ở người bệnh đái tháo đường quan trọng không kém kiểm soát đường huyết", bác sĩ Tùng nói, thêm rằng cả hai tình trạng nếu kiểm soát kém dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh cần đi khám để bác sĩ đưa ra phác đồ ổn định đường huyết lẫn mỡ máu phù hợp.
Người chưa bị mỡ máu cao hay có nguy cơ mỡ máu cao có thể phòng bệnh bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế ăn nhiều tinh bột đường và chất béo bão hòa. Nên tập thể dục thường xuyên mỗi ngày ít nhất 30 phút; không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, hút thuốc. Người bệnh thừa cân béo phì nên giảm cân để giảm nguy cơ mỡ máu cao, điều trị đái tháo đường theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh căng thẳng.
Đinh Tiên
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |