Trải qua ca mổ kết thúc thai kỳ ở tuần 25 do hội chứng Down, chị Kim Ngân (35 tuổi, TP HCM) hối tiếc vì chậm xử lý thai. Kết quả sàng lọc trước sinh NIPT và chọc ối cho thấy, thai của chị Ngân có nguy cơ cao bị hội chứng Down. Sau khi tham vấn các bác sĩ tiền sản, chị và gia đình đã đi đến quyết định chấm dứt thai kỳ, nhưng thời điểm đó, do TP HCM thực hiện giãn cách xã hội nên chị trì hoãn. Khi chị Ngân quay trở lại bệnh viện, thai đã lớn, việc chấm dứt thai kỳ gặp nhiều khó khăn khiến bác sĩ phải mổ lấy thai.
"Đây là một trong 3 trường hợp đáng tiếc phải bỏ thai khi thai đã lớn mà chúng tôi gặp ngay những ngày đầu thành phố nới lỏng giãn cách xã hội", bác sĩ CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chia sẻ.

Thai phụ đến chấm dứt thai kỳ ở thời điểm trễ, không đáp ứng với thuốc gây chuyển dạ, phải phẫu thuật lấy thai. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
4 tháng qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ghi nhận hàng chục ca đẻ rơi vì thai phụ ngại đi thăm khám và trì hoãn đến bệnh viện khi có dấu sinh.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, điều này rất nguy hiểm, vì em bé chào đời trên đường vận chuyển có thể văng ra ngoài, va chạm vào vật cứng. Dụng cụ cắt rốn nếu không tiệt khuẩn, bé có nguy cơ nhiễm trùng, uốn ván. Nếu trẻ sinh ngôi mông (phần mông ra trước qua ngã âm đạo), ngôi ngang (bé nằm ngang, không quay đầu xuống qua ngã âm đạo) hoặc bé thò tay xuống (ngôi ngang buông trôi)... sẽ đe dọa đến tính mạng trẻ. Sản phụ đẻ rơi có nguy cơ mất máu nhiều, rách tầng sinh môn phức tạp vào đường tiểu, hậu môn trực tràng khi thai sinh ra nhanh. Người từng sinh mổ sẽ rất nguy hiểm vì vết mổ cũ có thể nứt.
Bác sĩ Mỹ Nhi chia sẻ thêm, đại dịch đã gây ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai, ngay cả khi họ không bị nhiễm Covid-19. Không ít trường hợp thai phụ đến khám thai lần đầu khi đã 25-30 tuần. Nhiều thai phụ suốt 4 tháng qua chưa một lần đi khám thai, bỏ qua cơ hội chăm sóc sức khỏe thai kỳ thường quy như khám thai, tiêm ngừa; theo dõi sức khỏe thai. Thai phụ cũng bỏ qua các xét nghiệm thường quy, sàng lọc các bệnh lây truyền từ mẹ sang con có thể điều trị dự phòng lây truyền từ trong bào thai như HIV, viêm gan siêu vi B/C, giang mai, sàng lọc bất thường lệch bội nhiễm sắc thể, các bệnh di truyền đơn gen từ thế hệ cha mẹ sang con, siêu âm khảo sát bất thường hình thái thai nhi; bỏ qua luôn dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe tâm thần trong thai kỳ như trầm cảm...
Thai nhi không được hưởng chế độ chăm sóc trong 1.000 ngày đầu đời bao gồm 9 tháng trong bụng mẹ (270 ngày), năm đầu sau sinh (365 ngày), năm thứ 2 sau sinh (365 ngày). Đây là một thiệt thòi với cả mẹ và bé.
"Vài tuần trở lại đây, khi đỉnh dịch của Covid-19 qua đi, nhiều thai phụ đến khám hơn. Tuy nhiên, chúng tôi thật sự lấy làm tiếc khi nhiều chị em phụ nữ đến bệnh viện quá trễ, bỏ qua một số giai đoạn quan trọng và phát hiện bất thường muộn trên sơ sinh, thậm chí là những bất thường khiến phải ngừng thai kỳ", bác sĩ Mỹ Nhi nói thêm.

Thai phụ đi khám và tham vấn bác sĩ sản theo lịch khám thai, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh thường quy, sàng lọc bất thường thai giúp cho thai kỳ mẹ và bé an toàn, khỏe mạnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Các hiệp hội Sản Phụ khoa trên thế giới khuyến cáo thai phụ có thể giảm số lần khám thai giữa thời kỳ dịch bệnh, nhưng không nên bỏ qua các mốc khám quan trọng, đặc biệt cần tuân thủ các chỉ định siêu âm xét nghiệm sàng lọc tầm soát dị tật thai khi thai có nguy cơ cao bất thường. Nếu không tuân thủ lời khuyên y khoa, bỏ qua các chỉ định quan trọng, thay vì kết thúc thai kỳ sớm nhẹ nhàng hơn, thai phụ sẽ phải đối mặt với cuộc mổ lấy thai vừa mất con vừa đau đớn.
Từ lúc mang thai, chị em nên đến bệnh viện đúng lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi sát thai kỳ, chuẩn bị các phương án cho cuộc sinh an toàn, tránh đẻ rơi, gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Trong tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, thai phụ cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tăng cường các vitamin và khoáng chất, rau xanh, sắt và canxi; tránh tiếp xúc nơi đông người, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên, nhất là nên duy trì khám thai định kỳ và sớm tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trước khi đi khám thai, thai phụ liên hệ trước với bác sĩ để sắp xếp thời gian cho hợp lý, tránh tiếp xúc đông người.
Trong phác đồ khám thai có 3 mốc quan trọng không thể bỏ qua, ngay trong thời dịch. Sàng lọc trong tam cá nguyệt thứ nhất như siêu âm hình thái học, đo độ mờ da gáy sẽ phát hiện được các bất thường sớm nhất như thai không có hộp sọ, hở thành bụng thai nhi, thoát vị rốn hay bất thường hệ thần kinh của thai... để đưa ra các chỉ định cần thiết khác.
Tam cá nguyệt thứ hai, thai phụ cần đi khám tối thiểu một lần ở thời điểm 18-24 tuần để tầm soát phát hiện những dị tật bất thường của thai, thực hiện biện pháp dung nạp đường để phát hiện đái tháo đường. Tam cá nguyệt thứ ba, ở thời điểm 34-36 tuần, sẽ có siêu âm Doppler trong các tình huống: thai giới hạn tăng trưởng, khởi phát muộn.... Như vậy lộ trình khám thai sẽ được rút ngắn lại, giúp thai phụ hạn chế việc di chuyển tới bệnh viện.
Thai phụ nếu có triệu chứng của Covid-19 như sốt, ho khan, hắt hơi... cần liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế 1900 3228 hoặc 1900 9095 để được tư vấn điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm cho người khác. Trẻ sơ sinh cũng nên được sớm da kề da và bú sữa mẹ để giảm tỷ lệ hạ thân nhiệt, hạ đường máu, suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh, giảm sang chấn tâm lý, giảm tử vong và bệnh tật cho mẹ và trẻ.
Anh Ngọc