Lớp da của trẻ có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại từ bên ngoài. Trẻ hiếu động, thích chạy nhảy nên dễ ngã dẫn đến trầy xước hoặc bị côn trùng đốt.
Ngày 30/8, BS.CKI Lâm Bội Hy, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết những vết thương trên da nhìn bằng mắt thường không thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng. Phụ huynh không sơ cứu đúng cách cho trẻ có thể khiến vết thương lan rộng, sưng phồng rộp, dẫn tới nhiễm trùng rất nguy hiểm. Trường hợp nặng hơn có thể hoại tử, phải can thiệp ngoại khoa.
Da bị tổn thương tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Nếu hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể chống lại mầm bệnh và giúp vết trầy tự lành sẹo. Song với trẻ nhỏ, thường hệ miễn dịch yếu nên dễ gây sưng đỏ, tụ mủ và lan rộng, dẫn đến viêm mô tế bào.
Viêm mô tế bào thường do liên cầu khuẩn nhóm A và tụ cầu vàng gây nên. Những vi khuẩn này thường sống vô hại trên da, mũi, họng, có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vùng da bị tổn thương như vết cắt, vết cắn, vết xước hoặc xỏ khuyên trên cơ thể, dẫn đến nhiễm trùng.
Bàn chân của bé Nghi xuất hiện nốt ban đỏ ở chân, không rõ vết xước hay côn trùng cắn, triệu chứng như tay chân miệng hay sởi. Đến ngày thứ 4, bé sốt cao kéo dài, mệt mỏi nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Lúc này chân phải bé sưng to gấp đôi, da phồng rộp, có nhiều bọng nước chi chít, không thể đi lại.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số bạch cầu bệnh nhi đến 50.000 tế bào trong một đơn vị mm3 máu (bình thường 4.000 - 10.000) cảnh báo nhiễm trùng nặng. Sau 8 ngày điều trị bằng kháng sinh, sức khỏe bé ổn định, được xuất viện.
Trường hợp khác, bé Hoàng Anh, 3 tuổi, dẫm phải đồ chơi bằng nhựa cứng nên có vết xước nhẹ, không chảy máu. Người nhà bôi thuốc sát trùng, nửa ngày sau vết thương sưng to, rỉ dịch, bé nôn ói, sốt cao, tay chân lạnh. Kết quả xét nghiệm ghi nhận chỉ số CRP (phản ánh tình trạng nhiễm trùng) lên đến 80 (bình thường dưới 5). Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chẩn đoán bé bị nhiễm trùng da, viêm mô tế bào kèm tăng men gan, điều trị bằng kháng sinh ba ngày hết sốt, giảm sưng viêm.
Bác sĩ Bội Hy cho biết vết thương hở có thể được phân thành 4 dạng gồm trầy xước, rách, thủng và mất da. Phụ huynh không tự ý đắp lá thuốc cho con, có thể khiến tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn. Cần làm sạch vết thương của trẻ, bôi thuốc mỡ để giữ ẩm bề mặt vết thương, kháng khuẩn và ngừa sẹo, sau đó băng bằng miếng gạc hoặc băng keo cá nhân để giữ vết thương sạch, thay băng thường xuyên. Nếu vết thương sưng to, rỉ dịch, trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, sốt, cần đưa đến cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.
Đình Lâm
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về Nhi - Sơ sinh tại đây để bác sĩ giải đáp |