Đọc bài viết "Cần học đạo hàm, tích phân dù không sử dụng ngoài đời", tôi tự hỏi: cái gì cũng học thì phân ban khối tự nhiên và xã hội ở phổ thông để làm gì? Rốt cục là chúng ta cần giáo dục đại trà hay giáo dục tinh anh? Một năm chỉ có 12 tháng (365 ngày), nhưng cái gì cũng học thì cuối cùng học được cái gì?
Tôi không muốn con mình phải là một học sinh giỏi toàn diện. Tôi chỉ cần các con trở thành học sinh tiên tiến hay gọi là trung bình khá theo cách đánh giá ngày xưa cũng được. Ai từng trải qua thời học giáo dục đại trà ngày xưa, cái gì cũng học, hãy thử nghĩ lại xem, bạn bè cấp ba của mình bây giờ thế nào?
Lớp tôi ngày xưa có 30% học sinh giỏi, trong số này chỉ có một số ít bạn giỏi kiệt xuất (toàn 8-9 điểm các môn), 70% còn lại là học sinh trung bình khá. Nhiều người có điểm ba môn Toán, Lý, Hóa tới 9,5. Hiện tại, số học sinh khá đó đều có cuộc sống rất sung túc, thậm chí có sáu người đang làm khoa học ở nước ngoài. Ngược lại, một phần số học sinh giỏi lại có cuộc sống không quá tốt, chỉ số ít họ có thành tựu ở lĩnh vực mình lựa chọn.
>> Lầm tưởng 'cắt dần kiến thức để giảm tải cho học sinh'
Bản thân tôi cũng đi nước này nước kia, tôi thấy đúng là có nước trẻ em học rất nhẹ nhàng, cũng có nước chương trình học rất nặng. Nhưng mục đích sau cùng của họ là trang bị kiến thức phù hợp nhất cho trẻ, chứ không phải là cái gì cũng bắt học như ở ta. Để con người có nhiều thời gian làm chuyên môn hơn thì xu hướng giáo dục cũng phải phân loại chuyên môn từ sớm. Học sinh cấp ba bình thường đã có thể nhận định được sở trường của mình để định hướng cho tương lai rồi.
Còn nói về tính ứng dụng của kiến thức, ngay cả các kỹ sư xây dựng cũng chỉ cần học cách ứng dụng lý thuyết, chứ chẳng ai phải đi chứng minh những thứ đã biết và đi tìm cách tính những thứ chưa biết như học sinh để làm gì cả. Nếu làm được điều đó thì họ không phải kỹ sư xây dựng mà là "Toán học gia" rồi. Mỗi người có năng lực của riêng mình, nên đừng bắt nhau làm thay việc của người khác.
Có người nói "vài kiến thức sơ sài của bậc phổ thông đã là gì trong biển tri thức của đời người" nhưng nó cũng ngốn mất của bạn mấy năm cuộc đời rồi. Não bộ của con người chỉ tiếp thu tri thức nhanh nhất ở độ tuổi nhất định. Cả thế giới họ cố gắng để một đứa trẻ học tập những thứ quan trọng nhất, phù hợp nhất với tương lai của nó. Trong khi chúng ta lại muốn biến con mình thành người cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.