Tôi rất tâm đắc với quan điểm của tác giả bài viết "Đòi hỏi vô lý với tích phân, đạo hàm". Đất nước không tự nhiên phát triển, hội nhập và vươn xa nếu chỉ nhờ mấy phép tính cộng, trừ, nhân, chia trong tư duy của con người. Với tôi, nền giáo dục hiện tại vẫn rất cần thiết cho thế hệ con cháu mình trong tương lai.
Các em học sinh khi còn trong vòng tay gia đình, còn chưa định hướng được con đường phía trước cho mình, rất cần được trang bị đầy đủ kiến thức căn bản. Sau khi rời ghế nhà trường, ai mạnh ở đâu mới phát huy ở đó, tự tạo con đường cho riêng mình. Một số người quên hết kiến thức cấp ba vì con đường họ chọn chỉ quanh quẩn cộng, trừ, nhân chia. Nhưng người khác chọn ngành nghề khác, lại cần tư duy liên quan đến những kiến thức chuyên sâu được học.
Cũng như trước khi con bước ra đường tự lập, cha mẹ sẽ dạy chúng tất cả những kỹ năng cơ bản để sinh tồn, từ kỹ năng khi ở trên núi đến ngoài biển. Nhưng đâu phải con sẽ vận dụng tất cả những thứ được học ấy vào con đường sẽ chọn sau này. Nếu con chọn lên núi thì đâu cần áp dụng kỹ năng chèo xuồng trên biển để làm gì? Cái con cần sẽ là phát huy năng lực săn bắt, sinh tồn trên núi. Nếu con chọn ở đồng bằng thì thậm chí còn chẳng cần đến cả kỹ năng ở núi lẫn biển.
Chúng ta nên hiểu, mục đích của giáo dục là trang bị kiến thức căn bản, đầy đủ nhất cho các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Còn học được bao nhiêu là năng lực mỗi người và không thể bỏ hay cắt giảm phần nào chỉ vì người này, người kia thấy không cần thiết.
>> Đòi hỏi vô lý với tích phân, đạo hàm
Đất nước được như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, chỉnh sửa liên tục cho phù hợp với thời đại. Đó là nỗ lực chung của tất cả các thành phần trong xã hội. Chúng ta không thể phủi sạch công sức đã bỏ ra suốt bao lâu nay. Cũng đừng đi so sánh với các nước khác bởi mỗi quốc gia lại có một nền văn hóa, lịch sử phát triển, tư duy khác nhau. Mỗi một cá thể cũng là riêng biệt và cần được tôn trọng.
Rõ ràng, việc được tiếp cận tất cả các môn học, được giải các bài tập khó thì người học mới nhận ra được mình muốn học gì, thích làm gì? Đây không đơn giản chỉ là việc vượt qua các kỳ thi đánh giá năng lực, lấy thành tích, mà là phân loại khả năng của mỗi học sinh. Cho nên mới có trường năng khiếu dành cho học sinh.
Điểm và bảng xếp hạng bằng cấp dù gì cũng là một điểm cộng sau khi ra trường xin việc. Bạn cứ thử đem hai bảng điểm: xuất sắc và trung bình đi xin việc, xem người ta thích cái nào hơn. Tất nhiên, cuối cùng, đa số nhà tuyển dụng sẽ chọn người phù hợp với vị trí họ cần, nhưng ít nhất năng lực học tập của bạn cũng sẽ là một yếu tố đầu tiên được dùng để phân loại ứng viên.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.