Đọc nhiều bài viết cho rằng cần phải bỏ các kiến thức tích phân, đạo hàm, đưa môn học kia vào diện tự chọn trong thời gian gần đây, tôi thấy nhiều người đang có cái nhìn phiến diện, tập trung vào công kích, chỉ ra rằng kiến thức này kia vô dụng đối với công việc mà họ làm, đòi hỏi phải giảm tải cho chương trình học.
Theo tôi, yếu tố cơ bản nhất làm cho học sinh cảm thấy mệt mỏi nặng nề không phải câu chuyện học cái gì, mà là học như thế nào? Bởi lẽ dù cho chỉ là học cộng, trừ, nhân, chia, hình học cơ bản, nhưng nếu thi cử vẫn đánh đố và trường lớp, gia đình vẫn thúc ép vì thành tích thì những bạn trẻ vẫn phải đi học thêm, vẫn phải làm bài tập, vẫn cảm thấy bị bạo hành về tinh thần mà thôi.
Tôi còn nhớ, hồi còn học lớp 6, có rất nhiều bài toán hình học phải vẽ thêm đường phụ, tam giác phụ này nọ. Thực ra, những bài toán như vậy, kể cả người lớn cũng rất khó làm, chứ đừng nói đến một đứa trẻ 12 tuổi. Tôi từng hỏi thầy - một giáo viên Toán giỏi có tiếng, rằng làm sao để có thể nhìn và vẽ ra được những đường, những hình phụ đó? Thầy bảo tôi "chẳng có cách nào khác ngoài làm đi làm lại những bài Toán như vậy, đến khi quen thì sẽ nhìn ra".
Vậy nên, sau đó, tôi cũng như bao đứa trẻ khác "mài đũng quần" trên ghế trung tâm học thêm đủ các ngày trong tuần, thậm chí cả thứ bảy và chủ nhật, để giải những bài Toán như thế hàng trăm, hàng ngàn lần, đến khi thuộc lòng cách giải và có thể làm được mọi bài Toán tương tự trong các kỳ thi. Điều đó cho thấy, những đề thi của chúng ta vẫn nặng về tính đánh đố, luyện giải Toán, hơn là học để lấy kiến thức. Và khi những đứa trẻ không đi học thêm, không "luyện gà" đủ nhiều, thì việc chúng bị điểm kém cũng là hậu quả tất yếu của nền giáo dục hiện nay.
Đó là chưa kể, đến khi bị điểm kém, các bạn trẻ ngày nay còn gặp phải đủ sức ép, các lời chì chiết, sỉ vả, thậm chí là các hình phạt từ nhà trường và gia đình. Thử nghĩ xem, cho dù trong chương trình giáo dục có dạy đến cả những thứ cao siêu cỡ nào đi nữa, nếu các bạn trẻ cảm thấy không thích, không cần cho cuộc sống, dẫn đến học không giỏi mà trường lớp, nhưng gia đình và xã hội không có bất kỳ sức ép hay phán xét gì thì việc học chắc chắn vẫn sẽ nhẹ nhàng. Còn ngược lại, nếu trẻ vốn thích học, tôi tin rằng dù kiến thức phức tạp, rắc rối cỡ nào, các em cũng sẽ chăm học và học giỏi tất cả.
>> 'Học đạo hàm, tích phân không để đi chùi bugi'
Nhìn qua các trường chuyên hiện nay, rõ ràng các bạn trẻ được tiếp xúc với nhiều kiến thức và công cụ vượt qua tầm phổ thông rất nhiều. Thế nhưng các bạn vẫn học được, vẫn giỏi và vẫn có thành tích. Việc học theo kiểu "luyện gà" và ra đi thi theo kiểu đánh đố, gia đình và nhà trường kỳ vọng đến cực đoan mới chính là vấn đề cốt lõi cho gánh nặng học hành của các bạn trẻ, chứ không phải là do chương trình học quá nặng gây nên.
Đó là chưa kể "vấn nạn" phải học đều, không được học lệch, yếu môn nào bổ túc môn đó, với sức ép từ nhà trường và gia đình, nên việc học thêm và luyện thi không còn chỉ dừng lại ở môn Toán, mà còn xảy ra với cả môn Văn, Vật Lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý...
Theo tôi, giáo dục phổ thông trước hết là phải để học sinh rèn luyện tư duy và khả năng đối mặt với những vấn đề, và những gì học được là những công cụ để giải quyết vấn đề đó. Chứ không phải sa đà vào luyện gà, đánh đố lẫn nhau để rồi sau đó học xong "chữ thầy trả thầy" và chẳng có bất kỳ giá trị gì. Học tập bậc phổ thông là một loại hình giáo dục toàn diện cho tất cả mọi người, và vì thế, theo tôi chương trình học như hiện nay với rất nhiều kiến thức vẫn rất tốt, đem đến cho học sinh cơ hội ngang nhau để phát triển những yếu tố yêu thích cho công việc và nghề nghiệp tương lai.
Có chăng, cái chúng ta cần thay đổi là cách học, cách thi, cách đánh giá học sinh, để các bạn trẻ cảm thấy học hành nhẹ nhàng hơn.Chứ không phải chăm chăm cắt cái này, bỏ cái kia và làm mất đi cơ hội tiếp cận thêm kiến thức của những học sinh yêu thích những môn học đó.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.