Đọc bài viết "Học cao siêu nhưng không biết chùi bugi", tôi có vài ý kiến phản biện quan điểm của tác giả. Thứ nhất, tôi không rõ cái bugi có gì phức tạp mà chúng ta cần đưa vào chương trình giáo dục, thay vì các lý thuyết nhiệt động học. Trường chưa dạy đến thì chúng ta hoàn toàn có thể tự dạy bọn nhỏ ở ngoài, một tiếng là xong. Kỹ năng sống cần học trong đời sống chứ không thể đòi hỏi học trong nhà trường?
Thứ hai, nghĩ rộng ra, xe hỏng không phải lúc nào cũng là do bugi, học chùi bugi cũng chỉ giải quyết được một vấn đề. Đây là vấn đề dạng hẹp. Định nghĩa vấn đề rộng hơn là phải cải thiện cấu trúc động cơ thế nào cho bugi ít hỏng? Hay đi từ A đến B sao cho thuận tiện? Nếu chỉ chăm chăm chùi bugi, người ta có khả năng bỏ lỡ hai cách tiếp cận phía sau.
Sự hiểu biết và phụ thuộc của con người với một công nghệ có thể ngăn người ta tìm ra những giải pháp triệt để hơn. Nếu một chương trình giảng dạy chỉ tập trung vào những kỹ năng được cho là thực tiễn, học sinh sẽ mất khả năng tư duy đột phá.
Cuối cùng, trong khi nhà nước đang kêu gọi nâng tầm thương hiệu, nhân dân cũng trông mong một nền sản xuất nội địa mạnh mẽ và tiên tiến, chẳng có con đường nào ngoài phát triển khoa học cơ bản, và như thế tức là sẽ phải học một cách nghiêm túc Toán, Lý, Hóa, Sinh.
Tư duy chỉ trích chương trình học như trên sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng kiến thức và kỹ năng chung, sẽ ngăn người ta nhìn vấn đề một cách rộng ra, cản trở việc "think out of the box". Anh cứ cắm cúi chùi bugi, lúc ngẩng đầu lên, thế giới đã không còn dùng đến bugi nữa rồi.
Thực ra, chương trình cấp ba có môn công nghệ, có môn tự chọn sửa máy và sửa xe, có từ hồi tôi đang học. Tức là chùi bugi đã được dạy cho những ai muốn học. Giáo dục Việt Nam còn nhiều thiếu sót, nhưng chắc chắn không phải vì không dạy chùi bugi.
>> 'Học tích phân, đạo hàm nặng về đánh đố'
Lấy học sinh làm trung tâm không có nghĩa là lấy sở thích của các em làm trung tâm, mà là lấy tiềm năng của các em làm cơ sở để thiết kế chương trình học, phát huy tối đa tiềm năng đó. "Học sinh là sản phẩm cho công nghiệp", đó là slogan của trường đại học nước ngoài nơi tôi học. Còn nếu lấy sở thích của các em làm trung tâm, đứa nào chẳng thích chơi hơn học. Càng không cần nói đến tự chọn lựa các môn phù hợp, các em mà trưởng thành như thế thì không cần ai dạy, tự học cũng giỏi rồi.
Mà học là một chuyện, sau này đi làm, chẳng ai lấy các ứng viên làm trung tâm cả. Cũng không ai cho các em sự lựa chọn, không ai nói với các em cái này phải áp dụng vào đâu? Nếu giáo dục cứ dọn sẵn cho các em, chiều chuộng ý thích của các em, sau này chúng sẽ không tồn tại được ở chỗ làm quá một tuần. Edison thiên tài còn học "bạc mặt".
Người bình thường không nỗ lực sẽ không nên thân được. Bệnh thành tích hay bất cập giáo dục không phải là lý do hợp lý để phủi sạch giá trị của chương trình giáo dục hiện tại. Mà xét cho cùng, hai thứ đó không phải chỉ một mình ngành giáo dục tạo ra.
Xét cho cùng, mục tiêu của giáo dục phổ thông là cung cấp các kiến thức cơ bản chứ không phải tôn vinh ý thích và đam mê của một cá nhân. Người cá tính nên thấy môi trường gò bó là chuyện hiển nhiên, nhưng điều đó không có nghĩa là những người khác đang làm điều vô nghĩa. Thậm chí, phải có những người "thiếu cá tính" vậy thì mới có dư địa để chấp nhận cá tính của một số người.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.