Theo dõi những tranh luận về chương trình học phổ thông thời gian gần đây, tôi cho rằng vấn đề không phải là học sinh lười học hay môn nào quá khó, mà là việc người thiết kế chương trình chưa đặt đúng trọng tâm của môn học để dạy cho học sinh, hướng các em đến việc yêu thích môn học, biết môn đấy có thực sự cần cho tương lai mà mình đang định theo đuổi hay không, kiến thức có giá trị đến mức nào?
Không thể bắt một học sinh chuyên ngành xã hội phải học Toán tương đương với học sinh chuyên ngành khoa học. Ngay cả với các em thuộc chuyên ngành Hóa, Lý cũng chưa chắc phải cần học sâu đến mức như hiện nay. Trong khi, cái mà học sinh thực sự cần, ít nhất là biết tích phân, đạo hàm học để làm gì, giúp ích gì, hỗ trợ gì cho các môn học khác... lại không được đề cập. Hiện nay, kiến thức Toán phổ thông vẫn quá nặng về tính hàn lâm, giải Toán và đánh đố.
Có người nói "nếu không phải chuyên ngành của mình thì có thể học vừa đủ để qua môn thôi". Nhưng vấn đề là xã hội vẫn đang đánh giá học sinh giỏi là phải toàn diện, ít nhất điểm trung bình phải trên 8, ba môn chính (Toán, Văn, Ngoại ngữ) phải trên 6.5 và có một môn trên 8. Vậy không phải là đánh đố học sinh hay sao?
>> Đòi hỏi vô lý với tích phân, đạo hàm
Cái mà chúng ta cần là kiến thức thực tế, đúng chuyên môn, chuyên ngành, chứ không phải là giảm giờ học trong khi những cái cũ chẳng có gì thay đổi. Không ai giải thích cho học sinh biết việc học này để phục vụ cái gì, hỗ trợ cái gì, tại sao phải học cái này, cái kia... nên không gây được sự hứng thú tìm tòi và học hỏi của học sinh.
Chưa kể, các bài Toán đưa ra cho học sinh làm không tập trung vào cơ bản, hiểu mục đích để áp dụng thực tế, mà lại là các đề có tính đánh đố, làm cho học sinh thấy mệt mỏi, ngán tận cổ. Như thế thử hỏi có bao nhiêu học sinh còn nhớ hay còn muốn nhớ đến nó sau khi ra trường?
Đúng là kiến thức nào cũng cần thiết cả, nhưng có những kiến thức áp dụng thực tế trong cuộc sống, có những kiến thức để phục vụ học nâng cao, nghiên cứu chuyên sâu. Nên phải tùy thiên hướng của từng đối tượng người học mà định hướng học sao cho phù hợp. Hiện nay, học sinh Việt đang bị yêu cầu thành những "giáo sư biết tuốt". Vậy vấn đề là do đâu?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.