Gần đây, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ tầm nhìn để quận 1 trở thành "một Singapore thu nhỏ" trong tương lai gần. Đây là một mong muốn vô cùng xác đáng và dĩ nhiên là có những thay đổi cần phải được thực hiện ngay từ bây giờ, điển hình là thói quen đi bộ của người dân, cũng như không gian đường phố dành cho việc này. Người Singapore đã thực hiện rất tốt khía cạnh này và có một sự thật là họ rất mê đi bộ.
Theo tôi, chúng ta vẫn đang còn vướng mắc và phải đối mặt với những thực trạng sau:
Thứ nhất, văn hóa đi bộ đang dần bị thui chột và biến mất trong nhịp sống tấp nập hiện nay. Do nhu cầu di chuyển nhanh, gọn, đỡ tốn sức. mà Việt Nam đã nghiễm nhiên ẵm được danh hiệu "một trong những quốc gia có số lượng xe máy hàng đầu thế giới" và kiêm luôn danh hiệu "một trong những quốc gia có lượng khí thải nhà kính cao nhất trong khu vực và trên thế giới". Dù đây không phải là mối lo ngại gì đối với ông chủ các hãng taxi hay các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển ở ta, song những ảnh hưởng về sức khỏe là không thể bàn cãi.
Việc sở hữu một phương tiện cá nhân như xe máy đã là một chuyện hết sức bình thường so với mặt bằng chung hiện tại ở xã hội Việt. Bản thân tôi từng khá bất ngờ khi nghe một chị chủ quán trà sữa mà tôi giúp việc hồi đại học khen ngợi chỉ vì tôi đi xe đạp mỗi ngày đến chỗ làm với khoảng cách quãng đường ba km. Nếu người Việt nào cũng có chung suy nghĩ như vậy, có lẽ xe máy đã không nhiều tới mức mất kiểm soát như bây giờ.
>> Vỉa hè không dành cho người đi bộ
Thứ hai, việc đi bộ ở ta vô hình chung được xem là "đặc trưng" của các em học sinh, sinh viên và những người đam mê thể dục, thể thao vào mỗi buổi sáng sớm hay chiều muộn, do nước ta có cơ cấu dân số trẻ ở mức cao. Việc ngồi ôtô, bật điều hòa mát rượi, bật nhạc du dương trong khi tay đang đánh vô-lăng một cách sành điệu qua các cung đường hay xa lộ, từ lâu đã trở thành một hình ảnh "mẫu mực" cho sự thành đạt của người Việt. Điều đó cũng dễ hiểu khi tỷ lệ mắc các bệnh về thừa cân và tim mạch của Việt Nam luôn nằm ở mức báo động trong thời gian gần đây tại các thành phố lớn.
Thứ ba, sự lấn chiếm lòng, lề đường, cùng lối quy hoạch đô thị bất hợp lý cũng góp phần khiến cho người ta chẳng muốn đi bộ một chút nào. Đi xe đạp ngoài đường thì bị xe lớn chèn ép, còn vỉa hè vốn đã khá chật hẹp nay lại bị các chủ hàng quán tranh thủ chiếm làm của riêng, khiến cho không ít người khi đi bộ phải lao xuống lòng đường. Đã có lần, tôi suýt bị một chiếc xe buýt cán phải do vỉa hè đã bị một quán bún riêu chắn ngang trước mặt.
Ở các thành phố lớn, điển hình là TP HCM, đã có những con phố đi bộ đẹp như Nguyễn Huệ hay Bùi Viện, nhưng chúng vẫn chưa thực sự thúc đẩy được văn hóa đi bộ của người Việt, mà chỉ mang yếu tố cảnh quan và thu hút du lịch là chủ yếu. Không kể đâu xa, người láng giềng Nhật Bản của chúng ta đã dành hẳn một khoảng đường vô cùng rộng lớn dành cho người đi bộ tại thủ đô Tokyo, dù họ là một trong số những quốc gia sản xuất ôtô và xe máy hàng đầu thế giới và chi phí mua xe cũng không hề đắt đỏ.
Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi lối suy nghĩ về việc đi bộ và mong rằng trong một ngày không xa, người Việt, không phân biệt tuổi tác, giới tính, sẽ có thể "sánh vai" cùng các anh Tây "ba lô" qua những ngã tư đèn xanh, đèn đỏ, cùng một nụ cười luôn nở trên môi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.