"Khi tôi đến Hà Nội vào tháng 3/1897, khu phố của người An Nam với những cửa hàng lấn ra đến tận đường, phố xá không có vỉa hè và chen chúc những người và người. Đó chính là những thứ đích thực của Hà Nội", công sứ đầu tiên ở Hà Nội Bonnal, trích cuốn Xứ Đông Pháp và những kỷ niệm (L'Indochine Francaise Souvenirs, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer nhiệm kỳ 1897-1901). (Trích Đi dọc Hà Nội).
Việc kiếm sống và kinh doanh trên các con phố nhỏ của Hà Nội vốn đã là một phần văn hóa của "người Kẻ Chợ" từ xa xưa. Sau cả trăm năm thăng trầm của lịch sử, thứ văn hóa đó vẫn ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Giờ đây, mỗi khi bạn bước chân ra đường thì đó là hàng quán, xe cộ ngổn ngang trên hè phố. Bạn muốn tìm một lối đi bộ ư? Hãy tìm cho mình lối đi riêng dưới lòng đường giữa dòng xe cô tấp nập dọc ngang.
Đi tìm lời giải cho bài toán vỉa hè ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn là một việc rất khó, nhưng khó cũng đâu thể không làm. Đã biết bao cuộc ra quân để dành lại vỉa hè cho người đi bộ, thành công cũng có, nhưng phần nhiều lại là thất bại. Những thất bại này chủ yếu đến từ sự nóng vội trong cách làm, thiếu sự quyết tâm và bền bỉ.
Thứ đầu tiên mà chúng ta cần nói đến ở đây là câu chuyện lợi ích. Người kinh doanh, người để xe chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mà quên đi trách nhiệm với xã hội. Việc kẻ vạch để xe trên vỉa hè ở mặt trong vỉa hè cũng chỉ dành cho mục tiêu lợi ích. Bởi phần lớn phần diện tích có thể sử dụng đã được phân chia cho những mục đích của người kinh doanh.
Còn người đi bộ nếu muốn đi trên vỉa hè chắc chỉ có cách tìm cho mình cánh cửa thần kỳ của Doreamon để đi xuyên qua những gốc cây, những bốt điện, những tấm biển quảng cáo. Những vạch kẻ đường cho người đi bộ sang đường, hay những tấm biển "Chú ý nhường đường cho người đi bộ" có lẽ cũng chỉ là bức tranh tô điểm cho đường phố, chứ kỳ thực chúng chẳng có ý nghĩa gì nhiều.
>> 'Khó cấm xe máy khi vẫn còn buôn bán vỉa hè'
Sau câu chuyện lợi ích thì câu hỏi là trách nhiệm thuộc về ai? Hay trách nhiệm là gì? Mỗi tuyến phố mới, những con đường mới tốn rất nhiều chi phí của nhà nước cho việc bồi thường và giải phóng mặt bằng. Nhưng những người đang kinh doanh và để xe trên vỉa hè có đang trả phí sử dụng không? Họ có trách nhiệm gì với phần đường mà họ đang sử dụng không? Hay họ chỉ bỏ lại những bịch rác ở đó với niềm tin rằng sáng hôm sau nó sẽ biến mất.
Nói đến trách nhiệm, không thể không nói đến trách nhiệm của đơn vị quản lý. Chúng ta đã quá buông lỏng việc quản lý vỉa hè và lòng đường. Hằng ngày, những chiếc xe của đội trật tự đô thị cứ đảo qua đảo lại các con phố để nhắc nhở, thậm chí là ghi phiếu phạt với các hộ kinh doanh, hay những chủ phương tiện để xe không đúng nơi quy định. Nhưng mỗi khi họ đi qua thì mọi thứ lại đâu trở về đấy.
Rất rõ ràng, chúng ta đang thiếu những chế tài đủ mạnh để xử lý triệt để việc lấn chiếm vỉa hè và lòng đường. Nếu đi vào một số khu dân cư mới, có thể thấy những đội bảo vệ của khu dân cư rất quyết liệt trong việc chống lấn chiếm vỉa hè và lòng đường. Xe để không đúng nơi quy định có thể bị khóa bánh và chủ phương tiện sẽ mất rất nhiều thời gian để xin được thả. Việc giao hàng cũng chỉ được phép thực hiện ở những khu vực quy định. Liệu đó có phải là giải pháp hợp lý mà các đơn vị quản lý nên học hỏi?
Đi qua nhiều nước phát triển, điều mà chúng ta thấy là sự ngăn nắp trên vỉa hè và lòng đường. Nhưng để có điều đó là một quá trình lâu dài từ việc giáo dục ý thức trong trường học cho đến những biện pháp mạnh tay và quyết liệt của chính quyền trong một thời gian dài. Mong rằng chúng ta cũng có thể làm tốt công tác quản lý nhà nước trong thời gian đủ dài và đúng cách để vỉa hè thật sự là phần đường của người đi bộ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.