Tôi sống ở Nhật Bản đã được 5 năm và thấy một thực tế là ở đâu người ta cũng thích đi xe cá nhân. Thế nhưng, có nhiều lý do khiến người Nhật không mua xe máy, ôtô, mà đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng:
Thứ nhất, ở nước ngoài, khoản bến bãi đỗ xe rất đắt đỏ, nhất là những khu vực trung tâm. Tiền gửi xe một năm ở Nhật đôi khi cũng đủ để mua một chiếc ôtô cũ, thế nên không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để thuê chỗ đậu xe cá nhân.
Thứ hai, lực lượng cảnh sát giao thông của Nhật làm rất nghiêm. Chỉ cần bạn đỗ xe bừa bãi một chút là nhận ngay giấy phạt, không có cơ hội xin xỏ bỏ qua. Thế nên, người ta rất ngại đi xe cá nhân vì có thể bị phạt vi phạm bất kỳ lúc nào.
Thứ ba, đường sá ở Nhật được quét rửa hằng đêm nên luôn trong tình trạng sạch sẽ, ít khói bụi vào ban ngày. Vỉa hè, phố đi bộ tuyệt nhiên không có tình trạng bày bán hàng hóa, lần chiếm. Vì thế, người dân có thể đi bộ thoải mái, không bị cản trở, làm phiền.
Thứ tư, và cũng là điều quan trọng nhất chính là trên phần đường dành cho người đi bộ, các phương tiện giao thông khác bắt buộc phải nhường đường. Phương tiện nào lỡ gây tai nạn với người đi bộ sẽ phải chịu xử phạt rất nặng, phải bồi thường thiệt hại cho người bị nạn và rất nhiều các chế tài liên quan khác. Thế nên, các tài xế ở Nhật luôn tạo được ý thức nhường nhịn cho người đi bộ.
>> 'Nhiều người Việt lười đi bộ dù không thiếu vỉa hè'
Vậy tại sao người Việt ít đi bộ? Có phải vì chúng ta lười như một số quan điểm đã được nêu ra? Tôi cho rằng, có một số nguyên nhân sau:
Đầu tiên, phải khẳng định rằng không phải người Việt lười đi bộ, mà thực tế ở ta mới chỉ có mỗi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Thế nên, nhiều khi người dân muốn đi đến điểm khác cũng rất khó để đi bộ kết hợp với tàu điện. Trong khi đó, để đồng bộ tàu điện với hệ thống xe buýt hay kết nối thêm các tuyến tàu điện khác, chắc chắn chúng ta sẽ phải mất nhiều chục năm nữa. Vậy nên không thể bắt người Việt phải thay đổi thói quen giao thông trong một sớm một chiều.
Một điều nữa, các nước khác luôn phát triển đồng bộ vỉa hè giành cho người đi bộ và đi xe đạp. Do vậy, nhiều người ở xa nếu không muốn đi bộ, có thể đi xe đạp đến ga tàu. Và ở đó, họ cũng làm luôn chỗ gửi xe đạp ở gần ga và giá gửi xe được tự động thanh toán bằng máy, không quá đắt đỏ. Trong khi ở ta dường như vẫn chưa có kế hoạch cho hướng phát triển này.
Mặt khác, ý thức giao thông của chúng ta vốn rất kém. Theo luật, tất cả các phương tiện giao thông đều phải nhường đường cho người đi bộ và xe đạp ở những nơi công cộng. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại, những người đi bộ, đi xe đạp vì là thành phần yếu thế nên luôn bị đặt trong tình trạng nguy hiểm mỗi khi tham gia giao thông. Họ luôn bị người đi xe máy, ôtô lấn át, giành đường, thậm chí trở thành nạn nhân của những vụ va chạm bất cứ lúc nào.
Điều quan trọng nhất là chúng ta cần đánh vào túi tiền của những người sử dụng phương tiện cá nhân: phí gửi xe ôtô phải thật đắt, để những ai muốn đi ôtô ra đường đều phải suy nghĩ và tính toán đến vấn đề thiệt hại kinh tế. Bên cạnh đó, việc tăng cường xử phạt tình trạng đỗ xe sai quy định cần phải có sự vào của của nhiều thành phần xã hội, thay vì chỉ trông chờ vào mỗi lực lượng cảnh sát giao thông. Như ở Nhật, luôn có một lực lượng đi xe đạp vào các ngõ nhỏ để tìm và xử phạt xe đỗ sai quy định. Thậm chí, họ còn có một tổ riêng chuyên đi bắt xe đạp để bừa bãi. Đó là những thứ Việt Nam vẫn chưa làm được.
Và còn vô vàn những hình thức khác để quản lý các phương tiện cá nhân và nâng cao ý thức, thói quen đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng khác mà các nước phát triển trên thế giới đã và đang thực hiện. Thế nên, thay vì việc cứ đi so sánh người Việt lười đi bộ hơn người nước ngoài, tại sao chúng ta không dựa vào thói quen của người dân để bắt tay vào thay đổi từng bước.
Quan trọng nhất vẫn là cách quản lý và tiếp cận mà thôi. Nếu tạo được một môi trường thuận lợi nhất, tôi tin việc người Việt bỏ xe máy, ôtô, chuyển sang đi bộ, xe buýt, tàu điện, cũng chẳng phải chuyện gì quá khó.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.