Nhà tôi không phải là gần công ty nhất so với đồng nghiệp, ở tầng 3 của một chung cư đông đúc. Mỗi sáng đi làm tôi đều được chứng kiến một cuộc chiến mang tên "chờ thang máy". Điều đáng nói là dù vội hay thang máy đông đến mấy người ta vẫn cứ đứng chờ cho bằng được thay vì đi thang bộ. Điều tương tự cũng diễn ra hằng ngày tại công ty tôi. Hàng trăm người xếp hàng chen chúc mỗi sáng để đi thang máy dù văn phòng làm việc chỉ cách có 2-3 tầng. Rồi lại vất vả len vào thang máy khi tan sở.
Với phần đông những người xung quanh tôi, họ chọn mất thời gian chờ đợi thay vì phải vận động đôi chân. Đó cũng là bức tranh chung của người Việt. Đa số chúng ta chọn đi xe máy, ôtô dù ngày nào cũng phải chịu cảnh tắc đường cả lượt đi lẫn lượt về, thay vì đi bộ dù có thể mệt hơn đôi chút nhưng chưa chắc đã chậm hơn là bao, bù lại ta có sức khỏe.
Lười đi bộ đi làm là thế nhưng lạ một điều, mấy anh đồng nghiệp của tôi luôn "chăm chỉ" bất ngờ vào mỗi buổi chiều. Chuyện là phòng tôi thành lập một đội chạy để cải thiện sức khỏe bởi người thì mỡ máu, người thì tiểu đường, người thì thừa cân.... Vậy là cứ mỗi khi tan sở, thậm chí có hôm ăn bớt luôn 15-30 phút giờ làm, các anh lại xỏ giày và đi chạy. Để rồi sau hàng tiếng đồng hồ ép mình vận động như vậy là những cuộc nhậu hoặc không thì cũng ai lên xe người nấy đi về. Thay vì tận dụng chính quãng đường và thời gian đi làm để vận động, các anh lại tự mất thêm thời gian để giải quyết vấn đề tập thể dục. Thật lạ.
>> 'Tôi sẵn sàng đi bộ vài km tới chỗ làm nếu được đảm bảo an toàn'
Nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng, trung bình người Việt Nam đi bộ 3.600 bước một ngày, giới văn phòng chỉ 600 bước trong khi khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới là 10.000 bước (khoảng 8 km). Con người cần tập thể dục để giữ sức khỏe. Tập thể dục sẽ bảo vệ bạn chống lại bệnh tật và tử vong sớm, duy trì tính dẻo dai và bền bỉ của cơ thể. Trong tất cả các hình thức tập thể dục, đi bộ có lẽ là bài tập dễ dàng và ít chi phí nhất.
Những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe của việc hoạt động thể chất, mà ở đây là đi bộ mang lại không cần bàn cãi. Đi bộ đúng cách và đều đặn giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể, giảm lượng mỡ dư thừa, bảo vệ hệ xương, giúp có một thân hình cân đối, khỏe mạnh. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp phòng ngừa các bệnh về tim mạch, hô hấp, chống trầm cảm, mang lại giấc ngủ ngon, tránh suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi. Nhưng nhiều người Việt lại đang thờ ơ với sức khỏe của chính mình.
Hãy nhìn nhiều người nước ngoài đi bộ 5-7 km mỗi ngày như một thói quen, trong khi người Việt chỉ cần đi vài trăm mét là đã thấy phàn nàn. Chuyện một bước lên xe gắn máy, một bước lên xe hơi, theo tôi là không phù hợp với xu thế hiện tại. Ngay cả khi không kẹt xe thì vẫn nên đi bộ vì đó là văn hóa của các nước phát triển và là cách tập thể dục hiệu quả, tăng cường sức khỏe đơn giản nhất.
Tất nhiên sẽ có nhiều ý kiến biện minh cho việc "lười đi bộ" chẳng hạn như vỉa hè bị lần chiếm, thời tiết quá nóng bức, không có thời gian... Nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là sự bao biện. Liệu bao nhiêu người dám đảm bảo sẽ bỏ xe máy, ôtô để đi bộ khi đường thông hè thoáng? Bao nhiêu người sẵn sàng dậy sớm thêm 30 phút để quốc bộ tới chỗ làm? Tự thay đổi thói quen của bản thân mỗi người mới là điều quan trọng.
Nên nhớ, người Việt từng có thói quen đi bộ nhiều nhất thế giới. Một thời, có tới 90-95% dân số dùng đôi chân để di chuyển là chuyện thường ngày. Sau vài thập kỷ đổi mới, thói quen đi bộ dần biến mất, thay vào đó là những phương tiện giao thông hiện đại kéo theo những đôi chân lười biếng lên ngôi.
Không phải cứ cần xỏ giày, chạy hùng hục, thở hồng hộc mới là tập thể dục. Chỉ cần rời xa những chiếc xe, quan tâm đến đôi chân mình hơn một chút bằng cách dạy sớm lên chút đỉnh, bước xuống cầu thang và đi bộ đến chỗ làm. Vậy là đủ để làm chủ sức khỏe của bản thân.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.