Trả lời:
Ung thư thực quản là khối u ác tính được hình thành từ niêm mạc thực quản. Khối u phát triển khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt, ăn uống không thuận lợi dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng.
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư thực quản. Bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng tốt góp phần duy trì sức khỏe, ổn định cân nặng, tăng sức đề kháng chống lại nhiễm khuẩn và nhanh hồi phục sau điều trị.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư thực quản phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ xâm lấn khối bướu, giai đoạn bệnh, phương pháp điều trị, tiên lượng bệnh và các bệnh lý kết hợp.
Cha bạn mắc ung thư thực quản giai đoạn hai nên bổ sung các thực phẩm dưới đây.
Sữa và các thực phẩm làm từ sữa có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu protein, canxi, vitamin D, A, B12, B2, nioxin, phốt pho, kali và magie. Các vi chất này có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe. Sữa và những thực phẩm từ sữa mềm, có mùi vị thơm ngon, dễ tiêu hóa.
Trứng và rau củ quả xanh chứa nhiều protein, cung cấp dưỡng chất cần thiết để phục hồi sức khỏe. Rau xanh nhiều vitamin, khoáng chất cần thiết. Bệnh nhân có thể sử dụng các loại rau củ quả cắt nhỏ rồi hấp chín hoặc xay nhuyễn, nấu chung cùng cháo, cơm... để dễ nuốt hơn.
Các loại trái cây như chuối, cam, bưởi, đu đủ... có hàm lượng vitamin A, C, E dồi dào, cần thiết cho bệnh nhân mắc loại ung thư này.
Ngũ cốc như gạo, bột yến mạch, khoai, sắn dây... hỗ trợ trung hòa dịch axit dạ dày, bảo vệ niêm mạc dạ dày và thực quản, cũng nên đưa vào thực đơn hàng tuần.
Cha của bạn nên uống nhiều nước (2-2,5 lít nước mỗi ngày) nhằm ngăn ngừa tình trạng mất nước. Bổ sung chất béo lành mạnh (chất béo không bão hòa) như dầu đậu nành, dầu ô liu... thay vì dùng chất béo bão hòa có trong mỡ động vật.
Trong thời gian này, người bệnh nên hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo như đồ nướng, chiên, xào, rán, thịt xông khói, đồ đông lạnh, đóng hộp... Chất béo trong các thực phẩm này gây khó tiêu, cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng.
Một số món nên kiêng khác như đồ ngọt, bánh kẹo, các món cứng, khó nuốt, thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, có vị cay, tính axit. Hạn chế đồ uống nhiều caffein, đồ uống có ga, bia rượu, thuốc lá...
Bạn nên đưa cha đến bệnh viện có các chuyên khoa Ung bướu, Dinh dưỡng để bác sĩ trao đổi và tư vấn chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng bệnh thực tế.
BS.CKI Nguyễn Chí Thanh
Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để được bác sĩ giải đáp |