Chủ nhật, 17/2/2019, 08:56 (GMT+7)

Người Triều Tiên ở Hàn Quốc kỳ vọng về hội nghị Trump - Kim tại Việt Nam

Nhiều người Triều Tiên đào tẩu lạc quan về triển vọng kinh tế quê hương sau hội nghị Trump - Kim lần hai, dù vẫn còn một số hoài nghi. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) bắt tay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.

Han Sae-in, 24 tuổi, rời khỏi Triều Tiên cùng mẹ và chị gái vào năm 2012. Khác với phần lớn người Triều Tiên đào tẩu, cô hy vọng hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mang lại sự đổi thay cho quê hương mình.

"Dù sống ở Hàn Quốc, tôi có thể cảm nhận những thay đổi đang diễn ra ở quê nhà. Đó là lý do tôi hy vọng về kết quả tốt đẹp tại Việt Nam. Theo những gì tôi biết, người dân tại Triều Tiên cũng đang rất kỳ vọng, đặc biệt trong việc cải thiện kinh tế và đời sống", Al Jazeera hôm qua dẫn lời Han cho biết.

Sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018, lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ dự kiến họp lần hai tại Hà Nội vào 27-28/2. Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tiếp tục là nội dung then chốt trong cuộc gặp, khi Washington đang tìm cách đảm bảo Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình tên lửa, hạt nhân nhằm đem lại hòa bình lâu dài cho bán đảo. Các quan chức Mỹ cũng hứa hẹn sẽ giúp Triều Tiên hội nhập với thế giới khi từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Han cho biết người Triều Tiên đều khao khát về một nền kinh tế thịnh vượng, vì vậy vấn đề này cũng nên được quan tâm sâu sắc trong hội nghị ở Hà Nội.

Theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, kinh tế Triều Tiên năm 2017 sụt giảm mạnh nhất trong vòng hai thập kỷ do các lệnh trừng phạt quốc tế và hạn hán, trong bối cảnh điều kiện sống có dấu hiệu đi xuống.

"Triều Tiên nên phi hạt nhân hóa để thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó thúc đẩy kinh tế và cải thiện đời sống người dân. Càng cô lập thì càng chịu thiệt hại. Tôi nghĩ rằng Chủ tịch Kim hiểu điều này, và đó là lý do ông ấy đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế", Han nhận định.

Những bước tiến về kinh tế có thể bao gồm việc nối lại hoạt động thương mại với Hàn Quốc, cũng như kết nối tuyến đường sắt qua biên giới và mở cửa lại khu công nghiệp Kaesong. Khu công nghiệp này được Hàn Quốc quản lý và đầu tư, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập cho hàng nghìn người lao động Triều Tiên, nhưng bị đóng cửa ba năm trước do căng thẳng trong quan hệ Hàn - Triều.

Tuy nhiên, vẫn có một số người Triều Tiên sống ở Hàn Quốc ít tin tưởng hơn vào một kết quả tốt đẹp của hội nghị, nhất là những người từng trải qua thời kỳ khó khăn ở quê hương. "Việc họ có phản ứng mạnh là bình thường, bởi vẫn chưa vượt qua được những ký ức đó. Họ rõ ràng khó có thể tin những gì Kim Jong-un nói", Joo Seong-ha, người Triều Tiên đào tẩu cách đây 18 năm, giải thích.

Kang Chul-hwan, một trong những người đào tẩu khỏi Triều Tiên. Ảnh: Al Jazeera.

Kang Chul-hwan, một người Triều Tiên đào tẩu đang sống ở Hàn Quốc. Ảnh: Al Jazeera.

Kim Yong-hwa, cựu nhân viên an ninh đào tẩu khỏi Triều Tiên vào năm 1988, cho rằng ngoài vấn đề phi hạt nhân hóa và hợp tác kinh tế, lãnh đạo Mỹ - Triều cũng cần thảo luận các biện pháp giúp người dân quê hương ông có điều kiện sống tốt hơn.

Chủ tịch Trung Tâm Chiến lược Triều Tiên tại Hàn Quốc Kang Chul-hwan cho hay nếu hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai không đề cập đến những vấn đề này, nó sẽ bị coi là một phần trong chiến dịch tuyên truyền của cả hai bên và "sẽ không ai nghĩ rằng sẽ đạt được tiến bộ nào đó hoặc chính quyền sẽ thay đổi".

"Tôi không có ý nói rằng các cuộc đàm phán là vô ích. Chúng đều có ý nghĩa, nhưng không gắn liền với hoàn cảnh... Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên khác với phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Đó là những nội dung cần thiết", ông nhấn mạnh. Kang coi hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam là "cơ hội cuối cùng" của Bình Nhưỡng mà Mỹ nên "tận dụng một cách tỉnh táo"

Ánh Ngọc

 

Chia sẻ bài viết qua email