Theo một thói quen, mỗi khi ứng tuyển vào một vị trí công việc nào đó, phần lớn người Việt lại viết một tời "Đơn xin việc". Điều này phổ biến đến mức ít ai nhận ra bản chất ý nghĩa của từ "xin" mà mình viết. Liệu đây có phải mối quan hệ "xin - cho" theo kiểu "cao - thấp"? Tại sao bạn phải xin xỏ để có được một công việc trong khi mối quan hệ giữa nhà tuyển dụng và người lao động là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi. Bạn bỏ sức lao động và người thuê bạn phải trả công theo thỏa thuận.
Nói về câu chuyện này, độc giả Hung Pham Thiet chia sẻ về trường hợp của bản thân: "Tôi mắc lỗi dùng chữ "xin" khi mới 20 tuổi, trong tờ đơn "Đơn xin việc". Người giới thiệu tôi sau đó đã trả lại đơn mà không giải thích tại sao. Chỉ yêu cầu tôi viết lại. Đến lần thứ tư, anh mới nói: 'Em là con người, đầy đủ quyền công dân. Em có thể làm việc, tham gia vào bất cứ tổ chức nào, nếu như em tự nguyện". Tôi hiểu nhưng vẫn chống chế rằng đó là sự khiêm tốn'. Anh cười: "Khiêm tốn khác với giả tạo, nịnh bợ".
Sau này ở cương vị làm việc khác nhau, tôi luôn xóa bỏ hết chữ xin thành "Đơn đăng ký nhập học"; "Đơn giải quyết chế độ nghỉ phép"; "Giấy tạm ứng tiền", "Tờ trình đề nghị đầu tư"... Nhưng, đó là tôi, còn người khác vẫn cứ hở ra là lại xin. Do đó, thiết nghĩ, trong các văn bản, cần thay đổi suy nghĩ (tư duy) về quyền nhân thân, người dân hãy tự tin hơn về quyền của mình".
Đồng quan điểm, bạn đọc Phạm Tuân Mda chia sẻ: "Cách đây hơn 10 năm, tôi được giao quản lý một phân xưởng sản xuất nhỏ. Được vài ngày, có lao động đưa cho tôi "Đơn xin nghỉ phép". Tôi đề nghị người này viết lại thành "Giấy đề nghị giải quyết chế độ nghỉ phép". Sau lần đó, tôi trực tiếp soạn lại thành mẫu mới để người lao động chỉ việc điền các thông tin và nguyện vọng cá nhân (nghỉ bao nhiêu ngày, lý do nghỉ, nơi nghỉ...) vào mẫu. Sau đó khoảng hai năm, mẫu "Giấy đề nghị" này được các bộ phận khác trong công ty học theo".
"Trước kia, khi viết "Đơn ứng tuyển" gửi công ty, tôi cũng rất ghét kiểu xin việc nên không bao giờ ghi "Đơn xin việc". Mẫu hồ sơ đã được công ty in sẵn cũng viết như vậy nên tôi kiên quyết không dùng. Tôi viết một tờ "Đơn ứng tuyển vào vị trí..." và gửi đi. Kết quả là không ai phản hồi tôi sau đó. Sau này, tôi quyết tâm nộp hồ sơ vào những nơi yêu cầu thi tuyển cho chắc. Tại sao phải viết đơn xin để xong việc thì kiểu như một hình thức ban ơn? Trong khi đó, trong mối quan hệ lao động này, đôi bên cùng có lợi. Đúng là thay đổi tư duy thì cũng nên bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất", độc giả Hà Giang nói thêm.
Ủng hộ việc bỏ từ "xin" trong các văn bản hành chính, bạn đọc Quoc Dong Pham nhấn mạnh: "Tại sao phải viết "Đơn xin việc" trong khi các doanh nghiệp là phía đăng tin tuyển dụng tìm người, nghĩa là họ cần người lao động trước? Ai thấy mình phù hợp với vị trí tuyển dụng thì mới nhận lời ứng tuyển chứ đâu có xin xỏ ai? Do đó, anh cần tôi, tôi cần anh, hai bên hợp tác bình đẳng, có thỏa thuận rõ ràng. Nếu thấy mối quan hệ này mất cân đối thì hai bên đường ai nấy đi. Theo tôi, không có quan hệ chủ - tớ gì ở đây. Anh có tiền, có điều kiện thuê người làm việc; tôi có sức, có tay nghệ, trình độ nên làm việc để được trả công, rất bình đẳng và sòng phẳng".
Làm gì để bỏ tư tưởng "xin- cho", độc giả Van Duy nhận định: "Từ xin trong hồ sơ ứng tuyển công việc đã được nhiều người đề nghị bỏ từ hơn chục năm nay, vì không còn phù hợp với cơ chế thị trường (ngoài nhà nước), nhưng đến nay vẫn chưa bỏ được. Do đó, chúng ta phải thay đổi từ tư duy của thế hệ trẻ, thay đổi từ giáo dục. Đến bây giờ mà vẫn còn tồn tại những thủ tục như "xin nhập học", "xin xác nhận công tác" để cho con học bán trú... thì tôi e rằng còn lâu mới bỏ được từ xin. Ngày cả hồ sơ bán nhan nhản ngoài thị trường cũng in sẵn "Đơn xin việc" nên người ta cứ mua về, điền thông tin cá nhân rồi nộp, thành thói quen dễ dãi".
Cho rằng cần thay đổi tư duy văn mẫu ngay trong môi trường giáo dục để từ bỏ thói quen "xin - cho" trong các thủ tục hành chính, bạn đọc Nguyễn Xuân Điệp bình luận: "Thói quen này là hệ quả của văn mẫu. Thời còn học sinh, sinh viên, chúng ta đều phải viết các kiểu đơn từ sử dụng chữ xin thế nên nó trở thành thói quen sau khi lớn lên. Từ khi đi làm, tôi luôn ý thức được quyền và nghĩa vụ hay mục đích của sự việc trong đơn, nên sẽ điền tiêu đề phù hợp chứ không phải lúc nào cũng xin. Ví dụ như 'Đơn xin việc' được tôi thay thế bằng đơn ứng tuyển hay tiếng anh là Job Application".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.