Trong bài viết 'Khó chiều nhân viên Gen Z', đã có nhiều ý kiến chê trách về thái độ làm việc của một bộ phận không nhỏ bạn trẻ ngày nay, có thể kể ra như cái tôi quá cao, không chịu được áp lực, thiếu tinh thần cống hiến, và thái độ cầu thị, khiêm nhường với những người đi trước... Những câu chuyện phàn nàn về thế hệ Z và văn hóa "thích thì làm, chán là nghỉ", không cần báo trước khiến chính các nhà tuyển dụng cũng không khỏi băn khoăn khi quyết định tuyển dụng nhân viên trẻ.
Cá nhân tôi cho rằng, lứa tuổi nào cũng sẽ có những cá nhân như vậy chứ không riêng gì Gen Z. Lý do chính ở đây xuất phát tự sự giáo dục ngay từ trong các gia đình để các con hình thành cách sống có trách nhiệm với bản thân.
Năm 1996, tôi vào làm việc ở một công ty FDI. Công việc chính của tôi là phụ trách quản lý sản xuất. Theo quy trình làm việc của công ty, bộ phận của tôi có khoảng 120 người lao động, bao gồm cả trưởng chuyền và công nhân. 60% trong số đó là người đến từ các vùng khác vào sinh sống và làm việc tại đây, còn lại là người địa phương. Đa phần họ thuộc thế hệ 7X như tôi.
Một điểm tôi nhận thấy là nhóm 60% (người ngoại tình) làm việc rất có trách nhiệm, chịu khó, chăm chỉ. Cũng phải thôi vì nếu không chịu khó, họ lấy gì mà sống, ai nuôi cho? Chưa kể, họ còn phải chắt chiu từng đồng tiền lương để gửi về quê giúp đỡ gia đình, rồi lo tiết kiệm tiền để còn chi trả nhiều thứ khi xa nhà.
Trong khi đó, nhóm 40% (người bản địa) lại thường xuyên gây rắc rối trong quy trình làm việc. Vì họ mang tư tưởng "không làm thì về nhà vẫn có cơm của bố mẹ cho ăn, có sẵn nhà để ở, nên nhìn chung chẳng phải lo gì. Rồi đến lúc lập gia đình, họ mới tỉnh ngộ, rõ được trách nhiệm với bản thân và gia đình.
Sau này, nhóm người ngoại tỉnh hầu hết đều có được căn nhà để ở, còn nhóm bản xứ chủ yếu vẫn ở chung với bố mẹ hoặc ra ngoài thuê trọ. Lúc này, họ mới chịu khó "cày cuốc", xin làm việc ngoài giờ để tăng thu nhập.
>> Những Gen Z 'lương công nhân nhưng phải dùng iPhone, đi SH'
Thời tôi, để cầm được tấm bằng đại học trong tay thì ai cũng phải "cày" lên bờ xuống ruộng. Còn bây giờ, cửa vào và ra của nhiều đại học đã rất rộng mở, không có gì là khó, nên nhiều người trẻ lại không được nếm mùi học hành vất vả. Sau khi ra trường, các bạn lại có sự hậu thuẫn của gia đình. Nếu có chưa kiếm được việc, thất nghiệp ở không, họ vẫn được cha mẹ bao nuôi từ miếng ăn đến giấc ngủ. Thế nên việc thiếu tinh thần cầu thị, khiêm tốn của các bạn trẻ Gen Z ngày nay cũng không thể so được với thế hệ trước.
Tôi xin chia sẻ thêm về chương trình học chuyên ngành Mechanical Engineering (kỹ sự cơ khí) của hai con trai tôi (năm nay 19 và 23 tuổi,). Cách đây 5 năm, con trai lớn của tôi vào đại học. Để hoàn thành chương trình học, con phải kết thúc 180 tín chỉ. Hết năm thứ nhất (Foundation year) thay vì được nghỉ hè như những ngành khác, con phải đi thực tập cơ bản của chuyên ngành trong sáu tuần. Sang các năm sau đó, con phải hoàn thành các môn chuyên ngành rồi đi thực tập ở công ty từ 4-6 tháng nữa trước khi làm báo cáo thực tập.
Tiếp đến, làm đề án tốt nghiệp, con tôi mất sáu tháng mới xong. Khóa học của con tuyển 60 sinh viên, nhưng sau vài năm đã rụng dần, chỉ còn 40 sinh viên, tỷ lệ tốt nghiệp ra trường chắc cũng chỉ được 50%. Còn lại, số sinh viên nợ môn chưa thể ra trường không hề nhỏ. Đến khóa con trai thứ hai của tôi, chương trình học được nâng lên thành 210 tín chỉ. Tôi bảo với các con: "Học đã khó như vậy, nhưng khi ra đời, đi làm, các con sẽ còn thấy nhiều thứ khó và vất vả hơn nhiều. Nếu các con không chịu khó học hỏi thì sẽ tự mình bị đào thải khỏi cuộc chơi".
Mỗi ngày, các con tôi đều được hình thành ý thức hoàn thiện của bản thân. Các con sống giản dị, không đua đòi theo trào lưu, có lối sống lành mạnh. Đồng tiền các con cầm tiêu dùng có mục đích rõ ràng. Cuối tuần các con về nhà đi đá bóng, xem phim ăn uống với các bạn quen thân thời học phổ thông. Tôi nuôi hai con từ nhỏ đến lớn không có khái niệm dùng đòn roi giống như những gì mà trước đây bố mẹ vẫn làm. Các con tôi được sống trong một gia đình đầy sự yêu thương và sẵn sàng chia sẻ với tôi khi có vấn đề khó khăn trong công việc, cuộc sống.
Tôi tin rằng, lối sống và tính cách của con cái được hình thành phần lớn do cách dạy dỗ, hành động của bố mẹ đối với con cái ngay từ nhỏ. Để các con hình thành được ý thức và trách nhiệm như vậy, ngay từ nhỏ cha mẹ phải nói cho con biết cái gì được và không được làm. Chứ mang ý nghĩ đợi khi các con lớn mới dạy thì đã quá muộn rồi.
Gen Z không có lỗi. Những đứa trẻ thuộc thế hệ này không phải sinh ra đã có những cách ứng xử và thái độ làm việc như nhiều người hay chỉ trích. Vấn đề nằm ở chính những cha mẹ của Gen Z - những người thuộc thế hệ trước. Hãy tự hỏi xem chúng ta đã làm gì để tạo cho con một lối sống chuẩn mực như kỳ vọng?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.