Sau hai tuần nằm điều trị ở bệnh viện, cuối cùng tôi cũng vừa được xuất viện để về nhà. Do từ Hà Nội vào Sài Gòn khám bệnh gấp, nên tôi cũng chưa có cơ hội thăm thú được nơi nào tại thành phố này. Thế nên, ngay khi xuất viện, tôi lập tức đặt ngay một chuyến xe ôm công nghệ để dạo một vòng quanh chợ Bến Thành và Dinh Độc Lập.
Người đón tôi là một cậu trai trẻ, nhìn chạc tuổi tôi, có vẻ khá tri thức. Trên đường đi, tôi hỏi chuyện và mới biết cậu là sinh viên mới tốt nghiệp năm 2022 nhưng đã có đến hai năm kinh nghiệm chạy xe ôm công nghệ. Lý do cậu tìm đến nghề này là vì không thể xin được việc đúng chuyên môn, do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế và ngành cậu học nay đã bão hòa.
Mỗi ngày, cậu chạy xe ôm liên tục khoảng 12 tiếng đồng hồ, nhưng thu nhập cũng chỉ rơi vào khoảng 300.000 - 500.000 đồng. Có ngày ế khách, khách bùng nhiều, hãng đưa ít đơn... có khi cậu chỉ kiếm được vỏn vẹn hơn 100.000 đồng.
Nghe cậu tâm sự, tôi chợt nghĩ đến chủ đề tranh luận mấy hôm nay về quan điểm "những cử nhân chạy xe ôm ông nghệ là lãng phí chất xám của xã hội". Để có thể phân tích rõ ràng hơn, tôi sẽ phân chia sinh viên loại này thành hai nhóm: nhóm chạy xe ôm vì lương cao hơn làm văn phòng và nhóm làm vì chưa thể tìm việc văn phòng đúng chuyên môn.
Với nhóm đầu tiên (những sinh viên chạy xe ôm vì lương), có thể thấy họ chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư duy "dùng đồng tiền làm thước đo sự sang - giàu, nghèo - hèn, thắng – thua". Họ coi trọng "tiền tươi thóc thật" hơn là tương lai của chính mình. Họ đi làm chỉ vì tiền, nên rất dễ nản trước mức lương thấp của nhân viên thực tập trong doanh nghiệp mà bỏ đi chạy xe ôm để có thu nhập cao ngay lập tức.
>> 'Cử nhân chạy xe ôm còn hơn an phận văn phòng lương 7 triệu đồng'
Với nhóm thứ hai (chạy xe ôm vì chưa tìm được việc văn phòng), tôi thấy vấn đề ở giáo dục chứ không phải người học. Giáo dục đã không định hướng người học theo dài hạn mà chỉ tập trung vào ngắn hạn: nhiều ngành nào "hot" lên trong một khoảng thời gian ngắn, lượng sinh viên đầu vào cao ngất ngưởng, nhưng sau khi các em ra trường chưa chắc nó đã vẫn còn "nóng hổi" khi đã bão hòa.
Ví dụ rõ nhất chính là trường hợp ngành Ngân hàng, Sự phạm... cách đây khoảng chục năm. Thực tế, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành này giờ phải đi làm với mức lương bèo bọt hoặc chịu cảnh thất nghiệp vì sau vài năm "hot" nay thị trường đã bão hòa.
Thiết nghĩ, giải pháp quan trọng nhất ở đây chỉ có thể là thay đổi tư duy của người Việt. Chúng ta đang nói quá lên về giá trị đồng tiền, chứ không phải sự sáng tạo, cống hiến, những sáng chế có giá trị... Số lượng bằng sáng chế của Việt Nam, nếu so với các nước khác ở châu Âu đáng có khoảng cách quá xa.
Sau tư duy sẽ đến quy trình. Tôi thấy rất nhiều bài báo nói về các môn học hay ho và có tác dụng thực tiễn cho học sinh, sinh viên như tương lai học (có thể giúp chọn ngành học bậc đại học) sau đó là sáng tạo học (nghiên cứu về sáng tạo và phương pháp luận như TRIZ, tư duy sáng tạo...). Ở chiều ngược lại, tôi cũng rất cảm thông khi những môn này chưa xuất hiện trong chương trình giáo dục ở nước ta.
Miên man trong mớ suy nghĩ của mình, tôi tới nơi lúc nào không biết. Tôi vẫy chào tạm biệt anh thanh niên chạy xe ôm công nghệ, rồi chậm rãi bước vào chợ Bến Thành, trong lòng vẫn trăn trở về những thế hệ trẻ sắp phải đứng trước sự lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.
Nam
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.