Theo chuyên gia dinh dưỡng Lori Chong, Đại học Bang Ohio (Mỹ), phần lớn các loại trái cây nguyên quả có chỉ số đường huyết (GI) tương đối thấp, an toàn với người tiểu đường khi ăn ở mức độ vừa phải. Nhưng uống nước ép sẽ làm giảm lợi ích, không có lợi cho sức khỏe người bệnh.
Chất xơ trong thịt quả bị loại bỏ khi ép làm tăng lượng carbohydrat (carb) và GI. Tiêu thụ quá nhiều carb từ nước ép trái cây có thể làm tăng nhanh đường huyết. Nghiên cứu năm 2013 của Trường Y tế Công cộng Harvard (Mỹ) với hơn 187.000 người, cho thấy ăn trái cây nguyên quả thường xuyên có thể giảm nguy cơ tiểu đường type 2, trong khi uống nhiều nước ép lại tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Người bệnh tiểu đường cần uống nước ép trái cây đúng cách để tránh ảnh hưởng đến quản lý bệnh. Dưới đây là những lưu ý.
Uống lượng vừa phải: Người bệnh có thể uống một lượng nhỏ nước ép trái cây, mỗi lần khoảng 120-235 ml. Chọn trái cây có GI thấp và ít carb làm nước ép giúp tránh tăng đường huyết.
Dùng trong bữa ăn: Nên uống nước ép trái cây cùng bữa ăn để cơ thể nhận được protein, chất xơ và chất béo đồng thời với carb trong nước ép. Nhờ đó làm chậm gia tăng lượng đường trong máu.
Ưu tiên rau củ không chứa tinh bột: Nên chọn các loại rau như cần tây, cải xoăn, bông cải xanh, dưa chuột, cà rốt, củ dền... để làm nước ép. Những loại rau này không có tác động lớn đến đường huyết sau tiêu thụ.
Thêm ít trái cây vào nước ép: Giữ lại một ít thịt quả nguyên chất, cho vào nước ép giúp tăng vị ngọt của đồ uống và giảm lượng đường huyết tăng.
Một số công thức nước ép trái cây thích hợp cho người tiểu đường như dưa leo và một quả táo, cà rốt cùng nửa quả bưởi, dưa leo với lê, gừng và chanh, ớt chuông xanh kết hợp cà chua.
Người bệnh tiểu đường cần tính carb của loại nước ép vào tổng lượng carb bữa ăn để đảm bảo không vượt quá mức cần tiêu thụ. Theo dõi đường huyết sau uống giúp điều chỉnh phù hợp và có kế hoạch bữa ăn hợp lý.
Mai Cat (Theo Everyday Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |