Bệnh lạc nội mạc tử cung khiến chị Lý đau bụng nhiều khi có kinh nguyệt, chu kỳ kinh kéo dài 6-7 ngày. Bác sĩ khuyên theo dõi bệnh tối thiểu 6 tháng một lần song chị không tái khám. 5 ngày trước, chị sốt cao, tự uống thuốc hạ sốt, ba ngày sau tái sốt kèm đau bụng dữ dội phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Bác sĩ khám lâm sàng loại trừ nguyên nhân ruột thừa, tiết niệu, bệnh đường tiêu hóa. Kết quả chụp CT vùng bụng ghi nhận hai bên tử cung có khối dạng nang chứa dịch 60 mm và 80 mm, gợi ý khối áp xe hai buồng trứng.
Ngày 24/2, BS.CKI Nguyễn Văn Phúc, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết tế bào nội mạc tử cung phát triển tại hai buồng trứng, hình thành nên các nang chứa dịch tương tự kinh nguyệt. Khối nang này tích tụ, lớn dần theo thời gian, lâu ngày có thể thoái hóa, vỡ nang hoặc nhiễm trùng gây áp xe, viêm. Nếu không điều trị kịp thời, khối nang này vỡ ra, gây viêm vùng chậu, viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết. Bên cạnh đó, buồng trứng nguy cơ tổn thương làm suy giảm chức năng dẫn tới vô sinh hoặc thai ngoài tử cung.
Theo bác sĩ Phúc, áp xe buồng trứng được điều trị sử dụng thuốc kháng sinh. Nếu người bệnh không đáp ứng thuốc có thể can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật bóc u nang hai bên buồng trứng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai.

Bác sĩ Văn Phúc (trái) và êkíp phẫu thuật cho trường hợp lạc nội mạc tử cung tại buồng trứng. Ảnh minh họa: Tuệ Diễm
Chị Lý chưa lập gia đình, bác sĩ sử dụng phác đồ điều trị nội khoa, theo dõi sát và đánh giá cơ thể đáp ứng thuốc tốt. Sau hai ngày truyền thuốc, chị không còn sốt và đau bụng. Gần một tuần điều trị, khối áp xe giảm kích thước, xét nghiệm đánh giá dấu hiệu viêm cải thiện tích cực, sức khỏe chị ổn định, được xuất viện, tiếp tục uống kháng sinh tại nhà.
Chị cần tuân thủ tái khám, sử dụng thuốc ức chế lạc nội mạc tử cung, siêu âm buồng trứng, kiểm tra định kỳ. Nếu người bệnh không tuân thủ sẽ dẫn đến đau vùng chậu mạn tính, khó thụ thai hoặc vô sinh, suy chức năng buồng trứng.
Phụ nữ trẻ mắc bệnh nên có kế hoạch mang thai sớm vì bệnh gây khó mang thai hoặc vô sinh, phần lớn cần điều trị hỗ trợ sinh sản. Áp xe buồng trứng rất dễ nhầm lẫn bệnh khác với triệu chứng đau âm ỉ vùng bụng dưới, dịch âm đạo bất thường, mệt mỏi, sốt, chảy máu âm đạo. Các yếu tố tăng nguy cơ áp xe buồng trứng liên quan lạc nội mạc tử cung gồm phụ nữ điều trị thụ tinh ống nghiệm, đặt vòng tránh thai, nhiễm trùng đường sinh dục dưới, khối nang vỡ tự phát, người mắc bệnh đái tháo đường.
Phụ nữ nên khám phụ khoa 6 tháng đến một lần để phát hiện sớm và điều trị bệnh phụ khoa, tránh biến chứng xấu. Khi có triệu chứng đau bụng, sốt cao, xuất huyết âm đạo bất thường, khí hư có màu hoặc mùi bất thường, phụ nữ cần đi khám ngay.
Tuệ Diễm
Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |