Trả lời:
Thành phần chính trong cà phê là caffein. Caffein là chất kích thích thần kinh trung ương, được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Những người động kinh không rõ uống cà phê có gây tình trạng co giật không.
Đầu tiên, một số các nghiên cứu hiện nay cho thấy caffein có thể tác động đến các thụ thể adenosine A1 và A2 (chất kích thích toàn bộ các tế bào thần kinh). Điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến tăng hoạt động lặp đi lặp lại các tế bào thần kinh, làm cho các cơn co giật xảy ra và lặp lại nhiều lần hơn.
Thứ hai, một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy caffein có thể làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc động kinh (sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc khác để ngăn ngừa và kiểm soát cơn động kinh).
Mặc dù tác động của các loại thức ăn hàng ngày nói chung đối với cơn động kinh còn cần nhiều nghiên cứu minh chứng. Tuy nhiên, ăn các thực phẩm có chứa chất kích thích hệ thần kinh trung ương có thể làm tăng tính kích kích đối với vùng bị động kinh. Như vậy, trường hợp của bạn không nên dùng nhiều cà phê hay các thực phẩm đồ uống khác có chứa caffein. Hạn chế caffein có thể là một trong những việc cần làm để dự phòng và kiểm soát cơn động kinh.
Động kinh là một bệnh lý mạn tính do sự bất thường trong não bộ dẫn tới sự kích thích đồng thời các tế bào thần kinh của vỏ não, gây ra sự phóng điện đột ngột và không thể kiểm soát. Sự kích thích vỏ não ở các vùng khác nhau có thể gây ra những biểu hiện khác nhau như co giật, vắng ý thức đột ngột, co cứng chân tay... Bạn nên tuân thủ liệu trình điều trị của bác sĩ nội thần kinh và dùng thuốc hay phẫu thuật khi cần thiết.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome