Anh Chấn cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng vã mồ hôi, mạch nhanh, tiểu ít, huyết áp kẹp (khoảng cách giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương nhỏ hơn hoặc bằng 20 mmHg). Chỉ số mạch 120-130 lần mỗi phút, huyết áp 100-110/70-80 mmHg. Kết quả X-quang lồng ngực cho thấy phù phổi cấp, các buồng tim giãn lớn, co bóp tim trái giảm nhiều (EF) còn 10%. Bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp biến chứng tổn thương đa cơ quan, bệnh cơ tim giãn, béo phì độ 3 (nặng 110 kg, chỉ số BMI 40,75).
Ba ngày trước, anh mệt, nặng ngực, đau vùng thượng vị (trên rốn), buồn nôn sau ăn. Anh khám tại cơ sở y tế địa phương, được chẩn đoán trào ngược dạ dày, uống thuốc không bớt, mệt kèm khó thở, nôn.
Bác sĩ bệnh viện Tâm Anh điều trị hồi sức tích cực chống phù phổi cấp, sau đó chụp mạch vành và can thiệp tái tưới máu cấp cứu. Kết quả ghi nhận động mạch liên thất trước của người bệnh tắc hoàn toàn với nhiều huyết khối.
Ngày 14/8, BS.CKI Huỳnh Phúc Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết người bệnh có nguy cơ tử vong cao do chức năng tim suy giảm nặng, các buồng tim giãn lớn, kèm suy đa cơ quan, cần gấp rút nong mạch đặt stent tại đoạn mạch vành tắc nghẽn.
Theo ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch Can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bệnh nhân có nguy cơ cao rối loạn nhịp tim, ngừng tim trong lúc can thiệp nong mạch. Bác sĩ chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), đặt bóng đối xung trước và trong suốt thủ thuật để duy trì huyết áp, lọc máu, giảm nguy cơ ngừng tim trên bàn thủ thuật.
Ê kíp luồn ống thông vào động mạch vành trái, hút huyết khối trong lòng mạch. Tiếp đến, bác sĩ nong bóng để mở thông dòng chảy, đặt stent theo kỹ thuật Culottes (sử dụng hai stent bao phủ toàn bộ chỗ chia nhánh). Sau 60 phút, động mạch liên thất trước được tái thông.
ThS.BS Huỳnh Khiêm Huy, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân thở máy sau can thiệp, tiếp tục được chạy ECMO hỗ trợ cho tim đang suy giảm chức năng nặng, duy trì bóng đối xung. Các giải pháp trị liệu giúp tim hồi phục và duy trì tưới máu các cơ quan đầy đủ, ngăn ngừa suy đa cơ quan nặng thêm, sốc tim.
Sau hai tuần, anh Chấn được cai máy thở, ngưng ECMO, bóng đối xung và lọc máu, chức năng gan, thận trở về bình thường, chức năng tim tăng lên 25%. Anh hết khó thở, không đau ngực, ăn ngủ tốt.
Theo bác sĩ Nguyên, béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây suy tim, đột tử do có liên quan đến bệnh động mạch vành, đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu. Anh Chấn bị giãn cơ tim do béo phì lâu dài không được điều trị. Anh ít vận động nên các triệu chứng của suy tim không biểu hiện rõ. Vài năm gần đây, thỉnh thoảng anh cảm thấy mệt, hụt hơi khi làm việc nặng, không đi khám.
Nếu cơn nhồi máu cơ tim cấp không bộc phát, bệnh nhân chưa đến viện, bệnh cơ tim giãn không được phát hiện sẽ tiếp tục tiến triển. Điều này gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, rối loạn nhịp và đột tử.
Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và chuyển hóa, người thừa cân, béo phì nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn chế độ trị liệu thích hợp, duy trì cân nặng chuẩn. Bệnh nhân được đánh giá chức năng tim mạch, kiểm tra huyết áp, đường huyết, mỡ máu... định kỳ. Khi phát hiện các bất thường như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chức năng tim, người bệnh cần điều trị ngay.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
19h ngày 14/8, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức tư vấn trực tuyến "Kỹ thuật cao trong điều trị bệnh hở van tim". Các bác sĩ của bệnh viện tại TP HCM gồm PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch; ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư, Trưởng đơn vị Bệnh Van tim; ThS.BS Trần Thúc Khang, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực cùng BS.CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội sẽ giải đáp những thắc mắc của độc giả. Chương trình được phát trên fanpage VnExpress, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Độc giả đặt câu hỏi tại đây. |