Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, cho biết thông tin trên hôm 8/4, thêm rằng đã điều trị hơn 10 bệnh nhân châu Âu năm 2023, trong khi trước 2021 không có khách nước ngoài nào. Bệnh nhân đến từ nhiều quốc gia có nền y tế phát triển như Thụy Sĩ, Anh, Đức, Australia, Canada...
Phó giáo sư Hiền lý giải điều trị tại Việt Nam chi phí rẻ trong khi chất lượng chuyên môn và dịch vụ chăm sóc y tế tốt. Một số Việt kiều cũng về nước chữa bệnh để có người thân chăm sóc và không gặp rào cản ngôn ngữ. Nhiều trường hợp từng điều trị tại nước ngoài bằng nhiều phương pháp như uống thuốc, phẫu thuật, thất bại. Ngoài ra, bệnh nhân nước ngoài được bệnh viện Việt Nam hỗ trợ xử lý giấy tờ, thủ tục thanh toán, bảo hiểm quốc tế nhanh chóng, tiện lợi.
Phó giáo sư Hiền là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật nút mạch trong điều trị bệnh tại Việt Nam năm 2014, từng chuyển giao kỹ thuật cho các quốc gia khác. Đây là phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu điều trị nhiều bệnh lý ung bướu, trong đó có phì đại tuyến tiền liệt, đã áp dụng thành công cho nhiều ca bệnh.
Nguyên lý của nút mạch là bít tắc các nhánh mạch máu nuôi dưỡng khối u dẫn đến khối u teo đi và giảm kích thước. Người bệnh không phải gây mê, không mất máu, nằm viện 1-2 ngày. Nhiều người bệnh chọn phương pháp nút mạch vì hiệu quả giảm triệu chứng tương đương phẫu thuật, bảo tồn sinh lý, cải thiện chất lượng sống, theo phó giáo sư Hiền.
Như ông Lukas Brandt, 63 tuổi, người Thụy Sĩ, bị phì đại tuyến tiền liệt, bí tiểu, tiểu nhiều lần, suy giảm sinh lý. Bác sĩ sở tại khuyên ông phẫu thuật loại bỏ khối u, nhưng có nguy cơ sau mổ như rối loạn cương dương, xuất tinh sớm.
Gia đình ông liên hệ bác sĩ tại Việt Nam, được tư vấn điều trị bằng phương pháp nút mạch hạn chế xâm lấn. "Chi phí điều trị tại Việt Nam bằng 10% Thụy Sĩ, bác sĩ giỏi và máy móc hiện đại", ông cho hay.
Ông Lukas sang Việt Nam, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, được phó giáo sư Hiền thực hiện phương pháp nút mạch dưới sự hỗ trợ của robot chụp mạch. Kỹ thuật chỉ cần gây tê vùng đùi nên người bệnh tỉnh táo, trò chuyện với bác sĩ trong lúc can thiệp. Sau 45 phút, thủ thuật thành công. Sức khỏe tiến triển tốt, ông được xuất viện ngay hôm sau. Hiện sau hai tuần, bệnh nhân giảm hẳn tiểu đêm, đi tiểu dễ.
Trường hợp khác, ông Baltasar Meyer, quốc tịch Đức, 70 tuổi, từng phẫu thuật bóc phì đại tuyến tiền liệt, bệnh tái phát, tiểu buốt, sinh lý kém. Ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy tuyến tiền liệt kích thước khoảng 70 g (ở người trưởng thành bình thường 15-25 g). Sau khi được nút mạch thành công và trở về Đức, ông Baltasar hết bí tiểu, giảm số lần tiểu đêm, sinh lý cải thiện.
Theo phó giáo sư Hiền, hệ mạch tuyến tiền liệt của người châu Âu có một số khác biệt so với người Việt Nam như động mạch chậu dài, hay kèm theo xơ vữa nhiều... nên việc tiếp cận động mạch tuyến tiền liệt có chút khó khăn. Bác sĩ sử dụng robot để chụp và phóng to mạch máu rõ nét, giúp thao tác luồn ống thông và nút mạch chính xác. Đây cũng là loại máy hiện đại được nhiều quốc gia sử dụng trong nút mạch.
Phó giáo sư Nguyễn Xuân Hiền và các cộng sự đã thực hiện khoảng hơn 2.000 ca nút động mạch tuyến tiền liệt. "Việt Nam là một trong những nước châu Á triển khai kỹ thuật này nhiều nhất, chỉ sau Trung Quốc", phó giáo sư Hiền cho biết.
Một số bệnh viện của Hong Kong, Đài Loan, Philippines đã cử bác sĩ đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội để học tập và trao đổi về kỹ thuật này.
Hoài Phạm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |