Trong quá trình đi tiểu, các cơ trong bàng quang sẽ thắt chặt lại để đưa nước tiểu vào ống niệu đạo. Đồng thời, cơ quanh niệu đạo cũng giãn ra để thải chất lỏng ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi các cơ trong và xung quanh bàng quang không hoạt động bình thường, nước tiểu ngay lập bị rò rỉ, dẫn đến hiện tượng tiểu không kiểm soát. Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm: nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm niệu đạo cấp tính, viêm âm đạo, cơ bàng quang hoặc sàn chậu yếu, sa các tạng vùng chậu, trầm cảm, tác dụng phụ của thuốc điều trị các bệnh lý khác, lượng nước tiểu không ngừng tăng lên do suy tim và tăng đường huyết, hạn chế đi vệ sinh do suy giảm khả năng vận động... Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.
TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết Niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, tiểu không tự chủ ở người cao tuổikhông chỉ do lão hóa, mà đôi khi đó còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm khác. Do đó, người bệnh cần được thăm khám và can thiệp y tế ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường xảy ra thường xuyên, liên tục trong thời gian dài như đi tiểu nhiều lần, luôn trong trạng thái cần đi tiểu gấp, chỉ thải một lượng nhỏ nước tiểu dù muốn đi tiểu đột ngột, nước tiểu đục, có máu trong nước tiểu, đau khi đi tiểu, dòng chảy nước tiểu yếu...
Một số phương pháp thường được chỉ định trong điều trị tiểu không tự chủ ở người cao tuổi bao gồm:
Trị liệu hành vi: Đây là phương pháp được ưu tiên hàng đầu trong điều trị tiểu không tự chủ ở người cao tuổi. Theo đó, người bệnh sẽ được hướng dẫn thay đổi thói quen đi tiểu như kéo dài dần thời gian giữa các lần đi vệ sinh, giúp cơ chế làm rỗng bàng quang diễn ra hiệu quả hơn; thực hiện các bài tập cơ sàn chậu nhằm tăng cường sức mạnh các cơ vùng này, từ đó điều chỉnh quá trình tiểu tiện diễn ra thuận lợi hơn. Quản lý chế độ ăn uống có thể cải thiện hiệu quả khả năng kiểm soát bàng quang. Người bệnh nên ngừng các thức uống có gas, rượu, cà phê, trà, sữa, mật ong, thức ăn quá cay...

Luyện tập thói quen đi vệ sinh giúp kiểm soát tốt tình trạng tiểu không tự chủ. Ảnh: Freepik
Dùng thuốc: Bao gồm thuốc kháng Cholinergic hoặc thuốc chống co thắt, thuốc kháng sinh..., thường được chỉ định sử dụng kết hợp với các phương pháp trị liệu hành vi.
Thiết bị y tế có thể được sử dụng trong trường hợp người bệnh là nữ. Lúc này, người bệnh sẽ được cho sử dụng miếng chèn niệu đạo để kiểm soát tiểu tiện trong quá trình hoạt động và tập luyện thể dục, hoặc có thể được chỉ định sử dụng vòng nâng cổ tử cung. Vòng này được đặt trong âm đạo, hoạt động tương tự như màng ngăn, hỗ trợ kiểm soát chức năng bàng quang.
Phẫu thuật là lựa chọn điều trị cuối cùng khi các phương pháp trên không mang lại hiệu quả như mong đợi. Các thủ thuật điều trị được thực hiện phổ biến bao gồm: đặt băng nâng niệu đạo, cơ thắt nước tiểu nhân tạo, thủ thuật Colposuspension.
Ngoài ra, tiến sĩ Đức cho biết, tình trạng tiểu không tự chủ ở người cao tuổi có thể được kiểm soát tốt ngay từ ban đầu thông qua một số giải pháp đơn giản, bao gồm: xây dựng chế độ ăn lành mạnh, tránh các loại đồ uống và thực phẩm có nguy cơ dẫn đến chứng tiểu không kiểm soát như rượu, đồ cay nóng, caffein, cam, quýt, cà chua...; không hút thuốc lá; uống đủ nước mỗi ngày để đảm bảo tần suất đi tiểu hợp lý. Tránh nhịn tiểu để giảm nguy cơ bị bào mòn cơ bàng quang và nhiễm trùng bàng quang. Quản lý cân nặng hợp lý; tăng cường tập thể dục, đặc biệt là các bài tập cơ sàn chậu...
Phi Hồng