Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu thận học (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM) cho biết, tiểu không tự chủ ở nữ giới là tình trạng són nước tiểu không kiểm soát do hoạt động trữ và đào thải nước tiểu ở bàng quang gặp trục trặc. Nước tiểu được thận tạo ra và trữ trong bàng quang. Bình thường, khi bàng quang đầy, các cơ co thắt để đẩy nước tiểu vào niệu đạo, cơ vòng giãn ra để tống xuất khỏi cơ thể. Nếu cơ vòng và hệ thống cân cơ đáy chậu hoạt động không nhịp nhàng hay các dây thần kinh điều khiển niệu đạo và cơ bàng quang trục trặc, tình trạng tiểu không tự chủ sẽ xảy ra.
Tiểu không tự chủ rất phổ biến ở nữ giới và có xu hướng tăng dần theo tuổi tác. Đây không phải là bệnh, mà thường là dấu hiệu của một số bệnh lý tiềm ẩn khác. Các yếu tố khiến cho tiểu không tự chủ phổ biến hơn ở nữ giới là do điều kiện sức khỏe đặc biệt như mang thai, sinh nở, mãn kinh... Bên cạnh đó, những phụ nữ thừa cân, táo bón, tổn thương dây thần kinh hay từng phẫu thuật cắt bỏ tử cung có nhiều nguy cơ gặp tình trạng này hơn. Đôi khi chứng tiểu không kiểm soát chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn do tác dụng phụ của thuốc, đồ uống chứa nhiều caffeine, bệnh lý đường tiết niệu... và sẽ tự chấm dứt khi khỏi bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức trong một ca phẫu thuật tại Trung tâm Tiết niệu thận học. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Phụ nữ gặp tình trạng này sẽ có biểu hiện tiểu mất kiểm soát khi ngủ, tiểu són khi vận động, cảm giác muốn đi tiểu diễn ra đột ngột, tiểu nhiều hơn bình thường (>8 lần vào ban ngày và 2 lần vào ban đêm)...
Theo Tiến sĩ Hoàng Đức, nữ giới bị tiểu không tự chủ có thể tự điều trị tại nhà bằng cách tập các bài tập Kegel giúp tăng cường cơ sàn chậu hoặc điều chỉnh thói quen đi vệ sinh hàng ngày. Đồng thời xây dựng chế độ tập luyện và ăn uống lành mạnh để đưa cân nặng về mức hợp lý, giúp giảm áp lực lên bàng quang cũng như các cơ lân cận; ngừng sử dụng đồ uống có chứa caffeine, carbonat hóa (ví dụ như soda), rượu bia; tránh hút thuốc lá, điều trị dứt điểm tình trạng táo bón.
Nếu tình trạng không được cải thiện sau khi đã tập luyện và thay đổi lối sống, phụ nữ có thể điều trị bằng kem bôi âm đạo hoặc estrogen tại chỗ để giúp tăng cường hoạt động các cơ, mô trong niệu đạo và âm đạo hoặc đặt vòng nâng Pessary hỗ trợ hoạt động cơ sàn chậu, giúp giảm căng thẳng và cải thiện triệu chứng tiểu không tự chủ có kèm theo sa tử cung.
Phương pháp tiêm Botulinum cũng có thể được chỉ định để thư giãn các cơ nhằm giảm chứng tiểu không tự chủ. Với trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể phải phẫu thuật để cải thiện chất lượng cuộc sống và hạn chế biến chứng như phát ban, lở loét, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần, mất ngủ, căng thẳng, trầm cảm...

Thức uống chứa nhiều caffeine làm gia tăng tình trạng tiểu không tự chủ ở nữ giới. Ảnh: Freepik.
Tuy tiểu không kiểm soát ở nữ giới rất phổ biến, nhưng hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa. Do đó, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Đức khuyến khích chị em phụ nữ nên xây dựng lối sống khoa học bằng cách luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lý, xây dựng chế độ ăn giàu chất xơ để ngăn ngừa táo bón hiệu quả, tránh các loại thực phẩm làm kích thích bàng quang. Khi có các bệnh lý của hệ tiêu hóa hay tiết niệu, cần đến các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị dứt điểm, tránh làm phát sinh biến chứng tiểu không tự chủ. Phụ nữ nên tập luyện các bài tập giúp tăng cường sức khỏe của các cơ sàn chậu hàng ngày, nhất là sau khi sinh nở. Nếu trong giai đoạn mang thai, nên hỏi ý kiến của các bác sĩ sản khoa trước khi tập để đảm bảo an toàn cho thai kỳ.
Nữ giới không nên xem thường biểu hiện tiểu không tự chủ hoặc xấu hổ che giấu tình trạng sức khỏe để đến bệnh viện trong tình trạng muộn, khiến cho việc điều trị khó khăn và tốn kém, Tiến sĩ Hoàng Đức nhấn mạnh.
Hân Thái