Trả lời:
Nhiều nghiên cứu chứng minh nam giới uống rượu vang đỏ điều độ, trung bình hai ly, nữ giới là một ly mỗi ngày ít mắc bệnh tim hơn so với những người không uống rượu.
Rượu vang đỏ lên men từ nho chứa flavonoid và các chất chống oxy hóa khác, cải thiện mức cholesterol HDL (chất béo tốt), nhờ đó ngăn ngừa xơ vữa động mạch - nguyên nhân hàng đầu gây bệnh mạch vành, suy tim, nhồi máu cơ tim...
Tuy nhiên, những lợi ích mà các nghiên cứu này công bố có thể không chỉ đến từ rượu vang. Các yếu tố lối sống khác như tăng cường hoạt động thể chất, tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, giảm stress... giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Do đó, bác sĩ không khuyên dùng rượu vang để phòng ngừa bệnh tim.
Tết là dịp mọi người quây quần bên bàn tiệc, nhiều người thích nhâm nhi vài ly rượu, bia. Người có bệnh tim mạch như bạn không nên uống rượu bia hoặc chỉ uống trong mức khuyến nghị dưới hai đơn vị cồn mỗi ngày cho nam giới. Một đơn vị cồn tương đương với một lon bia 330 ml, 135 ml rượu vang, 30 ml rượu mạnh. Uống quá nhiều có thể gây hại cho sức khỏe như tăng nhịp tim, huyết áp, bệnh cơ tim.
Tăng nhịp tim: Nhịp tim của người khỏe mạnh trong khoảng 60-100 nhịp mỗi phút khi cơ thể nghỉ ngơi. Nếu uống rượu, nhịp tim có thể vượt quá 100 nhịp một phút, gây nhịp tim nhanh. Tình trạng này kéo dài dẫn tới biến chứng suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ não.
Tăng huyết áp: Người khỏe mạnh uống nhiều rượu bia khiến huyết áp tăng tạm thời. Đó là lý do người có tiền sử huyết áp cao được khuyến nghị tránh uống rượu hoàn toàn hoặc thỉnh thoảng mới uống và uống có chừng mực tùy vào tình trạng sức khỏe.
Nhịp tim không đều: "Hội chứng tim mạch kỳ nghỉ lễ" (tình trạng rối loạn nhịp tim sau khi sử dụng rượu bia, mặc dù trước đó người bệnh không mắc bệnh tim mạch) có thể xảy ra vào dịp Tết. Nguyên nhân do không kiểm soát được lượng rượu uống vào cơ thể, gây ra tình trạng nhịp tim không đều (còn gọi là rung tâm nhĩ). Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim.
Bệnh cơ tim: Những tác hại ngắn hạn của rượu (đau đầu, buồn nôn, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp) rất dễ nhận thấy. Tuy nhiên, có những tác động lâu dài mà rượu gây ra với cơ thể phải một thời gian sau mới bộc lộ, một trong số đó là bệnh cơ tim. Bệnh xảy ra khi chức năng bơm máu của tim yếu đi, khiến cơ tim giãn ra và tim to lên.
Để giảm tác hại của rượu bia đối với sức khỏe, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
Không uống rượu lúc đói vì làm tăng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét và chảy máu dạ dày. Nên ăn nhẹ trước khi uống rượu, ưu tiên rau xanh, súp, sinh tố, nước ép trái cây... để làm giảm nồng độ cồn. Trong lúc uống rượu, tăng cường ăn thực phẩm giàu protein như trứng, thịt gà, cá, các loại đậu, tôm để làm chậm quá trình hấp thu cồn vào máu.
Nếu là rượu mạnh, bạn nên uống từ từ, chậm rãi để làm loãng nồng độ cồn, giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời hỗ trợ gan có thời gian kịp oxy hóa rượu, giảm nguy cơ say và ngộ độc.
Không uống rượu chung với đồ uống có ga như nước ngọt, nước tăng lực do đẩy nhanh quá trình hấp thu cồn vào máu.
Một số loại rượu, bia chứa thành phần tương tác với thuốc điều trị bệnh tim mạch làm giảm hiệu quả của thuốc, gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thức uống có cồn muốn sử dụng, xem chúng có gây bất lợi với tình trạng bệnh không.
ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều
Trưởng khoa Nội tim mạch 1
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |