Người bệnh tiểu đường có thể ăn dưa muối chua như một món ăn nhẹ hoặc trong các bữa ăn hàng ngày. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, 100 gram dưa muối chua có khoảng 2 gram carbohydrate (một thành phần cơ bản trong thức ăn được cơ thể sử dụng để tạo ra năng lượng). Lượng đường và carbohydrate trong dưa muối thấp có thể ngăn ngừa đường huyết tăng đột biến sau ăn.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Singapore và Canada cho thấy, tiêu thụ giấm có trong dưa muối có thể giúp giảm mức A1C trong máu (lượng đường trung bình máu trong khoảng 2-3 tháng), có lợi trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu khác của Đại học Bang Arizona (Mỹ) cũng chỉ ra, ăn giấm trong bữa ăn làm giảm nồng độ đường huyết lúc đói ở người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp hai.
Theo nghiên cứu của Đại học Sutcu Imam (Thổ Nhĩ Kỳ), người bệnh tiểu đường có thể thêm thực phẩm lên men nói chung vào chế độ ăn uống hàng ngày. Vì thực phẩm này cung cấp chất chống oxy hóa, có lợi cho sức khỏe. Tiêu thụ chất chống oxy hóa giúp giảm số lượng các gốc tự do hoặc các phần tử có hại trong cơ thể.
Tuy nhiên, dưa muối hay thực phẩm lên men khác có hàm lượng natri (muối) rất cao, trong 100 gram dưa muối có khoảng 808 mg natri. Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận Mỹ, lượng natri cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và cao huyết áp ở người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, người bệnh nên ăn dưa muối với lượng vừa phải để tránh quá nhiều natri trong khẩu phần ăn. Các loại dưa muối ngọt cũng chứa nhiều đường, trong 100 gram dưa muối loại này có khoảng 18,3 gram đường. Để ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến, người bệnh nên kết hợp với chất đạm (thịt gà, cá) và chất béo lành mạnh với dưa muối ngọt.
Người bệnh có thể bổ sung vào chế độ ăn uống điều độ dưa leo muối, củ cải muối, cà rốt muối, dưa cải bắp muối... Nếu không phải là món dưa muối tự làm tại nhà, bạn nên mua loại có ít natri, ít đường và mới lên men.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị, người bệnh tiểu đường nên chọn thực phẩm chủ yếu là rau không chứa tinh bột (bông cải xanh, nấm, rau xanh lá khác), trái cây, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Ăn thực phẩm ít đường và ngũ cốc tinh chế (bánh mì trắng, mì ống, bánh nướng) với lượng vừa phải cũng giúp ích cho sức khỏe.
Người bệnh cũng cần hạn chế thức ăn có lượng đường lớn và carbs đã qua chế biến. Bởi chúng có thể làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng. Một số thực phẩm cần tránh như nước tăng lực, sữa có đường, nước hoa quả, soda thông thường, đồ ngọt (bánh, kẹo, kem), đồ chiên, thực phẩm giàu tinh bột.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)