Trả lời:
Gan là nội tạng lớn nhất, chiếm khoảng 2% tổng khối lượng cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng như lọc, dự trữ máu, chuyển hóa carbohydrate, protein, chất béo, hormone... Cơ quan này cũng dự trữ vitamin và sắt, tổng hợp các yếu tố đông máu.
Người bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan cần chế độ dinh dưỡng khoa học, nâng cao hiệu quả điều trị. Người bệnh tránh kiêng khem quá mức hoặc không đúng cách dẫn đến suy dinh dưỡng, khiến bệnh tăng nặng, biến chứng.
Cung cấp đủ năng lượng: Nhu cầu năng lượng ở người bệnh gan thường cao hơn bình thường. Bệnh gan làm suy giảm chức năng gan, khiến tải lượng hấp thụ và chuyển hóa dưỡng chất ở gan giảm. Chế độ ăn ít calo hoặc thiếu năng lượng lâu dài dẫn đến suy dinh dưỡng, tăng tổn thương gan. Người trưởng thành bình thường cần khoảng 2.000-2.500 calo mỗi ngày. Người bệnh nên đi khám, tham vấn bác sĩ để biết cụ thể lượng calo cần hấp thu mỗi ngày tùy thể trạng.
Ăn đủ chất đạm (protein): Chế độ dinh dưỡng thiếu hoặc thừa protein đều ảnh hưởng bất lợi, khiến bệnh gan tăng nặng, biến chứng. Protein giúp xây dựng và sửa chữa các tế bào gan bị tổn thương, cung cấp năng lượng, duy trì sức khỏe cơ bắp. Người bệnh gan ăn thiếu chất dễ bị dị hóa cơ bắp (teo cơ) và suy dinh dưỡng. Ăn thừa protein có thể làm tăng áp lực cho gan, khiến tình trạng tổn thương trở nên nghiêm trọng. Người bệnh nên bổ sung protein nạc từ thịt nạc, cá, trứng, sữa và sản phẩm từ sữa, các loại đậu.
Hàm lượng tiêu thụ protein mỗi người thường khác nhau, tùy vào loại bệnh gan, khả năng hấp thu, cơ địa. Người bệnh nên đi khám dinh dưỡng để bác sĩ kiểm tra, tư vấn chế độ ăn uống, cách thức, hàm lượng bổ sung protein phù hợp.
Bổ sung chất béo lành mạnh: Không phải tất cả chất béo đều hại gan. Người bệnh nên hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa (trans fat). Chúng thúc đẩy các phản ứng viêm, làm thay đổi thành phần lipid máu theo hướng có hại cho gan, sức khỏe tổng thể.
Người bệnh nên bổ sung đủ chất béo lành mạnh như omega-3, omega-6, omega-9, có nhiều trong dầu thực vật, các loại hạt, cá béo, quả bơ, tảo biển. Chúng có khả năng chống oxy hóa, chống viêm, hỗ trợ giảm chất béo trung tính (triglyceride), tăng nồng độ HDL (cholesterol tốt), bảo vệ tế bào gan. Các axit béo omega-3 cải thiện tình trạng kháng insulin, khống chế lượng glucose tích tụ, từ đó giảm áp lực lên gan.
Tăng cường chất xơ: Người bệnh nên ăn đa dạng rau củ, trái cây, đậu, các loại hạt nhằm tăng cường bổ sung chất xơ cho cơ thể. Chúng góp phần kiểm soát đường huyết và insulin, hỗ trợ gan trong quá trình lọc máu, đào thải chất cặn bã dư thừa. Chất xơ hút nước tại ruột, tạo thành một lớp màng mỏng, ức chế và giảm hấp thụ chất béo, từ đó giảm áp lực cho gan. Chất xơ cũng chống viêm, tạo điều kiện cho quá trình tái tạo, phục hồi chức năng gan.
Hàm lượng chất xơ với người bình thường khoảng 20-25 g mỗi ngày. Người bệnh gan nên ăn lượng chất xơ nhiều hơn, đủ 25-35 g mỗi ngày, tương đương với 320 g rau xanh, 240 g trái cây.
Bổ sung đủ vitamin và khoáng chất: Người mắc các bệnh gan thường có cảm giác ăn không ngon miệng, biếng ăn. Chức năng gan suy giảm nên khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cũng giảm. Bổ sung đủ vitamin và khoáng chất góp phần tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ giải độc, cải thiện chức năng gan, đem nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể.
Vitamin A, C, E là các chất chống oxy hóa mạnh, bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương do sự tấn công của gốc tự do. Nhóm vitamin B hỗ trợ quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, bảo vệ chức năng gan. Khoáng chất như canxi, magie, phốt pho, kali góp phần cải thiện hệ miễn dịch, hỗ trợ phục hồi, tái tạo các mô gan bị tổn thương, giảm nguy cơ biến chứng.
Một số tinh chất thiên nhiên như S. Marianum và Wasabia hỗ trợ kiểm soát hoạt động tế bào kupffer (đại thực bào thường trú ở gan), phục hồi chức năng gan, giảm nguy cơ bệnh gan tiến triển.
Người bệnh gan nên tái khám định kỳ, điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - gan mật tụy. Thường xuyên tập luyện thể chất vừa sức, kiểm soát cân nặng, không để thừa cân, béo phì. Hạn chế ăn thịt đỏ, thực phẩm chứa nhiều đường, muối, dầu mỡ, chất bảo quản. Uống nhiều nước, không sử dụng rượu bia, tránh xa khói thuốc lá.
Tiêm vaccine ngừa viêm gan A, B góp phần bảo vệ gan. Khám dinh dưỡng, đo thành phần cơ thể, xét nghiệm vi chất giúp xác định cơ thể đang thiếu, thừa dưỡng chất nào. Từ đó, bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống khoa học.
BS.CKI Nguyễn Thị Hồng Sâm
Khoa Dinh dưỡng Tiết chế
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả gửi câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |