Trả lời:
Người bệnh đái tháo đường cần bổ sung trái cây vào khẩu phần ăn hàng ngày bởi chúng cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tốt cho cơ thể. Ăn trái cây phù hợp giúp người bệnh cải thiện sức khỏe, giảm nguy cơ biến chứng tim, thận, mắt và thần kinh.
Tuy nhiên, người bệnh cần chọn đúng loại và kiểm soát chặt chẽ hàm lượng tiêu thụ. Thành phần chủ đạo của trái cây là carbohydrate (chất đường bột). Do đó, ăn ít các loại trái cây nhiều đường hoặc quá mức loại chứa ít đường đều có thể khiến đường huyết tăng cao, thúc đẩy bệnh khởi phát nhiều biến chứng nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, viêm loét chi, suy thận, mất thị lực.
Để an toàn, bạn cần giới hạn số lượng tiêu thụ, khoảng 50-75 g trái cây mỗi lần và 160-240 g trái cây mỗi ngày. Ưu tiên chọn loại có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn 70 và tải lượng đường huyết (GL) nhỏ hơn 20, ví dụ như cam, quýt, bưởi, ổi, mâm xôi, việt quất, dâu tằm, táo, bơ, chuối...
Bạn cũng cần ăn trái cây đúng thời điểm, nên ưu tiên trong bữa phụ hoặc sáng sớm. Hạn chế tối đa tiêu thụ trái cây vào cuối bữa ăn chính vì có nguy cơ cao tăng đường huyết. Nên dùng trái cây thô thay vì ép lấy nước bởi hoa quả thô chứa nhiều chất xơ, giúp cơ thể hạn chế hấp thụ glucose (đường) và hỗ trợ kiểm soát mức đường huyết tốt hơn.
Cơ thể mỗi người phản ứng khác nhau khi ăn trái cây. Do đó, bạn cần chủ động theo dõi mức đường huyết trước và sau khi dùng để chọn được loại an toàn và điều chỉnh lượng phù hợp. Bạn nên tuân thủ dùng thuốc và tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Nếu cần bạn có thể đến bác sĩ dinh dưỡng khám để được tư vấn cụ thể chế độ ăn uống phù hợp.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |