Trả lời:
Người bệnh đái tháo đường kiêng tuyệt đối hoặc cắt giảm tối đa tinh bột là quan niệm sai lầm, có thể dẫn đến những biến chứng nặng. Bạn không nên cắt toàn bộ tinh bột trong chế độ ăn hàng ngày mà nên ăn với lượng vừa đủ. Cơ thể cần đường để sinh năng lượng. Tinh bột là loại đường được cấu tạo bởi nhiều phân tử glucose ghép với nhau. Glucose chuyển hóa ở ruột non và hấp thu từ từ vào tuần hoàn để cung cấp năng lượng theo nhu cầu cơ thể, hỗ trợ ổn định đường huyết.
Ăn quá nhiều tinh bột dễ làm đường huyết tăng cao, ngược lại quá ít hoặc cắt giảm có thể gây hạ đường huyết, suy dinh dưỡng, ngất xỉu, vã mồ hôi, run tay chân, mệt mỏi do thiếu năng lượng; phải vào viện cấp cứu. Người bị hạ đường huyết cấp cứu muộn có thể dẫn đến hôn mê. Trường hợp người bệnh đang di chuyển trên đường hoặc thực hiện các công việc lao động có thể gặp tai nạn nguy hiểm.
Nguyên tắc trong chế độ ăn uống là cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng, ăn đủ tinh bột, chất đạm; tăng cường rau xanh, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Tỷ lệ nhóm tinh bột trong chế độ ăn của người bình thường chiếm khoảng 40-60%, còn lại là lipid, protein và chất xơ. Còn với người bệnh đái tháo đường, tỷ lệ tinh bột nên chiếm khoảng 50-55% khẩu phần ăn. Hạn chế thực phẩm chứa đường đơn, tăng chất xơ, các loại rau quả ít ngọt.
Phác đồ dinh dưỡng cần được cá thể hóa tùy vào thể trạng và tình trạng bệnh đái tháo đường, điều chỉnh lượng tinh bột và các nhóm chất khác phù hợp. Ví dụ phụ nữ thấp, nhẹ cân, không vận động nặng có thể ăn khoảng 2/3 đến một chén cơm mỗi bữa. Nam giới cao to, cơ bắp nhiều, hoạt động thể dục thể thao liên tục có thể ăn hai chén cơm trong một bữa.
Bạn nên đi khám ở bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để bác sĩ tư vấn lượng tinh bột nên tiêu thụ phù hợp.
Người đái tháo đường nên dùng sữa không đường hoặc ít đường, cá, đậu đỗ, lạc, vừng, dầu thực vật, gạo lứt, ngô, rau củ... với lượng vừa phải. Hạn chế các loại đường hấp thu nhanh như bánh kẹo ngọt, mứt, nước ngọt, miến, món ăn nhiều cholesterol từ các loại phủ tạng động vật.
Nên chia thành 5-6 bữa mỗi ngày để hạn chế tăng đường huyết sau ăn và hạ đường huyết khi đói, nhất là ở bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết mạnh hoặc tiêm insulin. Ngoài dùng thuốc, tái khám, người bệnh nên duy trì hoạt động thể lực phù hợp mỗi ngày để ổn định đường huyết, hạn chế biến chứng.
Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mù lòa, bệnh tim mạch, suy thận, nhiễm trùng bàn chân phải cắt cụt, tử vong sớm.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thị An
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |