Em luôn cảm giác có gì đó đang đè lên tim, phải ngồi mới thở được. Huyết áp thường ngày của em là 140/90 mmHg. Xin hỏi bác sĩ vì sao có tình trạng này, em nên làm gì? (Kim Hồng, TP HCM)
Trả lời:
Suy thận mạn là biến chứng nghiêm trọng nhất của những bệnh lý ở thận. Bệnh gây rối loạn điện giải, tăng huyết áp khó điều chỉnh, thiếu máu mạn tính, tích tụ độc tố. Người suy thận mạn phải chịu cảm giác mệt mỏi, đau đớn kéo dài, suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống, có nguy cơ tử vong cao.
Đặc biệt, suy thận mạn và huyết áp có quan hệ vòng xoắn bệnh lý với nhau. Nếu huyết áp cao không kiểm soát trong thời gian dài có thể gây tổn thương, phá hủy những mạch máu trong cơ thể. Tình trạng này làm giảm lưu lượng máu cung cấp tới thận và những cơ quan khác. Hơn nữa, huyết áp cao còn có khả năng phá hủy bộ lọc ở cầu thận, dẫn tới suy giảm chức năng thận.
Ngược lại, khi thận không thể loại bỏ những chất cặn bã, độc hại dư thừa ra ngoài theo đường tiểu, nước bị ứ đọng quá nhiều trong hệ thống mạch máu sẽ làm tăng cao huyết áp. Trường hợp suy thận kèm huyết áp cao có thể khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng, dẫn tới biến chứng suy thận mạn.
Với các triệu chứng bạn mô tả, tôi nghĩ sẽ có hai khả năng xảy ra. Thứ nhất, khi xuất hiện triệu chứng khó thở, huyết áp khi đó có thể đã tự động tăng vọt lên. Thông thường, ở người bệnh tăng huyết áp, tỷ lệ nhóm người này bị kích hoạt hệ giao cảm lên tới 50%. Khi bị kích hoạt hệ giao cảm, đặc biệt là vào ban đêm sẽ khiến huyết áp tăng cao, gây ra hiện tượng khó thở, mệt tim.
Thứ hai, bạn có thể bị thiếu máu. Thiếu máu ở người bệnh thận có thể làm tăng huyết áp. Nếu gặp phải tình trạng khó thở, mệt tim trong giai đoạn chạy thận nhân tạo, bạn cần phải thông báo với bác sĩ ngay. Vì huyết áp của bạn trong giai đoạn này cần được điều trị tích cực. Điều tiếp theo cần lưu ý là hồng cầu trong máu có bị thiếu nhiều không và có bị tăng hoạt giao cảm không.
Ngoài ra, thuốc điều trị huyết áp cũng có nhiều nhóm. Trong đó có nhóm thuốc giúp làm chậm sự kích hoạt giao cảm, chậm nhịp tim và hỗ trợ tốt cho sức co bóp của tim. Thuốc này sẽ giúp người bệnh đỡ mệt hơn. Vì thế, với tình trạng của bạn, bạn nên nhanh chóng đi gặp bác sĩ điều trị để xác định những vấn đề đã đề cập, từ đó cải thiện các triệu chứng khó chịu khi chạy thận nhân tạo.
TTƯT.BS.CKII Tạ Phương Dung
Phó Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, BVĐK Tâm Anh TP.HCM