Bệnh nhân Đặng Cúc (89 tuổi, Hà Nội) nhập viện khẩn cấp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội vào đầu tháng 6 do không thể đi lại, phù hai chân và đau, bụng trướng kèm theo mệt mỏi, tiểu ít dần.
Tiến sĩ, Bác sĩ Mai Thị Hiền, Phó khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, cho biết người bệnh bị suy thận nặng với chỉ số creatinin quá cao 1020 µmol/l (chỉ số ở người bình thường khoảng trên dưới 100 µmol/l), có tăng kali máu. Hình ảnh siêu âm cho thấy tuyến tiền liệt phì đại, với trọng lượng 82 g.
Bác sĩ đã khẩn trương đặt sonde tiểu giúp người bệnh giải thoát tắc nghẽn, đồng thời điều trị bằng các loại thuốc, truyền dịch giúp điều chỉnh rối loạn cân bằng nước điện giải. Sau một ngày, người bệnh đi tiểu rất nhiều khoảng 9 lít, cải thiện triệu chứng phù, bụng trướng, cảm thấy dễ chịu, ăn uống ngon miệng. Xét nghiệm máu cho thấy chức năng thận cải thiện rõ rệt, chỉ số creatinin giảm mạnh.
Ông Cúc cho biết trước đó đã tự uống thuốc tăng huyết áp, thuốc điều trị tuyến tiền liệt không theo chỉ định hay thăm khám của bác sĩ. Theo Tiến sĩ Hiền, tự ý uống thuốc và tình trạng tuyến tiền liệt phì đại là nguyên nhân gây tắc nghẽn đường tiểu dẫn đến suy thận cấp. Tuyến tiền liệt to gây tắc nghẽn đường ra của nước tiểu, khiến nước tiểu bị ứ trệ trong bàng quang, làm tăng áp lực trong ống thận, gây ra những thay đổi về hormone dẫn tới sụt giảm dòng máu qua thận, tổn thương tế bào ống thận, rối loạn hấp thu nước và muối, hậu quả là gây suy thận cấp.
Sau khi hồi phục và đi tiểu trở lại, người bệnh có thể tiếp tục rơi vào nguy hiểm do mất nước trong tế bào, rối loạn điện giải do mất muối, mất kali. Do đó, người bệnh tiếp tục được truyền dịch, theo dõi sát sao huyết áp, cân nặng cũng như xét nghiệm chức năng thận và điện giải đồ máu. Sau 3 ngày điều trị tích cực, chức năng thận của người bệnh được hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân có thể ăn ngon, ngủ ngon, huyết áp ổn định.
Sau khi xuất viện, ông Cúc tiếp tục dùng thuốc điều trị bệnh, thuốc giảm axit uric, giảm huyết áp, tránh dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện dấu hiệu nguy hiểm giúp điều trị hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Hiền, phì đại tuyến tiền liệt là bệnh lý phổ biến ở nam giới lớn tuổi. Trên thế giới có khoảng 60% nam giới ở tuổi 60 bị tăng sinh lành tuyến tiền liệt, dẫn tới rối loạn đi tiểu gây ảnh hưởng đến chất lượng sống. Ở người già, phì đại tuyến tiền liệt có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm là tình trạng suy thận cấp, ảnh hưởng tới tính mạng. Do đó, người cao tuổi nên đi khám định kỳ, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nặng nề, sống lâu, sống khỏe.
Lục Bảo